Đó là hoàn cảnh của 6 hộ cụ Hoàng Thị Cát (80 tuổi), Phan Xuân Bá (84 tuổi), Vũ Thị Tốn (75 tuổi), Phạm Văn Hồng (67 tuổi), Nguyễn Cao Thắng (69 tuổi) và Đặng Sỹ Cương (67 tuổi) ở tổ 2, khối 9, phường Trường Thi, TP.Vinh (Nghệ An) nằm trong dự án mở rộng cơ sở 1 Trường Đại học Vinh.
Khu ổ chuột giữa lòng thành phố
Ông Phạm Văn Hồng ở ngõ 1 đường Bạch Liêu, phường Trường Thi cho biết, năm 1975, khi còn đang công tác tại Trường Kỹ thuật Việt Đức, gia đình ông cũng như 12 hộ dân ở dãy trước và sau đường Bạch Liêu được cấp đất dựng nhà ở có sự đồng ý của Ty Kiến trúc Nghệ An. Năm 1999, các hộ gia đình có tờ trình xin cấp sổ đỏ và đến năm 2002 thì được chính quyền giao sổ đỏ.
6 hộ dân sống khổ trong khu “ô chuột” giữa lòng thành phố hàng chục năm nay. (Ảnh: H.A)
Tuy nhiên, theo ông Hồng, trong tấm bìa đỏ có một dòng chữ “Toàn bộ diện tích nằm trong vùng mở rộng khuôn viên của Trường Đại học Vinh, chủ hộ phải giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng mới”. Kể từ đó người dân khu này phải sống như trong ổ chuột giữa lòng thành phố.
“Thiếu nước sạch, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa. Mùa mưa thì nước ngập lênh láng, rác thải trôi vào đầy nhà” - ông Phạm Văn Hồng bức xúc khi nói về điều kiện sống của mình.
Không được thừa nhận
Làm việc với NTNN, ông Nguyễn Tất Thiện - Chủ tịch UBND phường Trường Thi cho biết: Đến thời điểm này ở tổ 2, khối 9 đã có 6 hộ ở dãy trước đường Bạch Liêu được đền bù và đã di dời, còn lại 6 hộ ở dãy sau chưa đi do chưa nhất trí giá đền bù 12 triệu đồng/m2.
Theo ông Thiện, ngày 23.8.2002 UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch mặt bằng tổng thể mở rộng khuôn viên Đại học Vinh thêm 3.277m2, vì vậy toàn bộ diện tích của 12 hộ dân này phải thu hồi. Trong quá trình triển khai, ngày 2.3.2013, UBND phường Trường Thi đã có tờ trình số 18 gửi UBND TP.Vinh đề nghị thu hồi đất của các hộ nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên- Môi trường tham mưu cho UBND TP.Vinh, các loại giấy tờ mà 12 hộ dân có được hiện chưa đủ cơ sở để xác định thời điểm họ ở trước năm 1980, nên không có cơ sở để đền bù toàn bộ diện tích theo giá đất ở...
Thế nhưng theo xác nhận của ông Nguyễn Duy Trân - nguyên Chủ tịch UBND phường Trường Thi ngày 20.11.1999 ghi rõ: “12 hộ gia đình trường Việt Đức có từ năm 1976 cho đến nay là đúng sự thật”, hay xác nhận của ông Lê Doãn Hào - Hiệu trưởng đầu tiên Trường Việt Đức ngày 21.11.1999 tại đơn thỉnh cầu về việc cấp đất làm nhà ở của các hộ gia đình vào ngày 18.11.1999: “Thực tế năm 1976 được sự đồng ý của Ty Kiến trúc Nghệ An và ban cán sự khu phố 5 tạm thời cấp cho 12 hộ có tên trên để làm nhà ở trong lúc nhà trường không có đủ chỗ ở cho giáo viên và cán bộ công nhân viên trong trường”.
Theo Quyết định số 10 ngày 22.1.2013 của UBND tỉnh Nghệ An, muốn xác định thời điểm sử dụng đất cần phải có ý kiến của những người cư trú cùng thời, có xác nhận của thôn, xóm, của UBND cấp phường xã… Chiếu theo quyết định này, xem xét các hồ sơ, qua xác nhận của các nhân chứng, chúng tôi thấy rằng người dân và phường Trường Thi đã thực hiện đúng quy trình, đủ điều kiện để xác định các hộ dân trên đã sử dụng đất trước năm 1980. UBND TP.Vinh cần sớm có thái độ rõ ràng, xử lý dứt điểm giải phóng mặt bằng để dự án sớm được hoàn thành và người dân đỡ khổ.
Theo 6 hộ dân chưa chịu di dời, UBND TP.Vinh nói là ưu tiên cho họ được lựa chọn nơi ở mới phù hợp với điều kiện như nơi ở cũ để có thể kinh doanh buôn bán. Thế nhưng, thực tế tại khu tái định cư ở phường Hà Huy Tập, những vị trí này đã bố trí cho các đối tượng khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.