|
16 năm không được sửa chữa, ngôi nhà của ông Trần Hoà đã xuống cấp trầm trọng. |
Vừa ở vừa sợ nhà sập
Nhiều năm nay, 11 người trong gia đình ông Trần Hòa ở số 42/50 xóm Gióng luôn mất ăn mất ngủ vì sợ nhà sập. Ngôi nhà của gia đình ông Hòa được xây dựng từ năm 1964, đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Ngói và gỗ trên nhà đã ải mục, tường nhà nứt toác ở hàng trăm vị trí.
“Những lúc trời mưa, nước tuôn vào nhà, từng mảng ngói mục đua nhau trút xuống khiến cả nhà phải núp dưới gầm bàn để lánh nạn”- ông Hòa sợ hãi kể. Thương cảnh nghèo khó của gia đình ông, bà con lối xóm gom góp cho mượn 50 triệu đồng để sửa, nhưng khi nghe tin này chính quyền lập tức đến ngăn cản.
Gia đình ông Nguyễn Văn Bổn ở 28 đường Hoàng Thị Loan cũng khốn khổ không kém. Nhiều năm nay, những người con của vợ chồng ông phải đi ở trọ dù có ngôi nhà rộng rãi và có đến 1.200m2 đất ở. Sở dĩ có chuyện ngược đời này là do ngôi nhà của ông Bổn đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào nhưng không được sửa chữa, xây mới.
“Đất của gia đình tui được cấp sổ đỏ từ năm 2003, hàng năm phải đóng thuế nhà đất. Rứa mà khi tui làm đơn xin sửa nhà chính quyền không cho, xin tách thửa để cho con cái làm nhà họ cũng không đồng ý”- ông Bổn bức xúc.
Năm 1994, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt khu quy hoạch Đại học Huế trên diện tích hơn 30ha ở phường An Tây. Tính đến nay đã hơn 16 năm nhưng Đại học Huế mới chỉ sử dụng chưa đến 1ha trong số đất quy hoạch.
Cùng với khu quy hoạch Đại học Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế cũng phê duyệt quy hoạch trục Quốc lộ 1A Tự Đức- Thủy Dương với diện tích hơn 20ha, rất nhiều hộ dân ở đây “dính” quy hoạch này. Do cả 2 quy hoạch trên đều nằm trên giấy nên tổng cộng có hơn 500 hộ dân phường An Tây nằm trong vùng quy hoạch bị đẩy vào cảnh khốn khổ do đi không được, ở không xong.
Treo đến bao giờ?
Ông Lê Bá - Tổ trưởng tổ dân phố 1 phường An Tây bức xúc: Việc quy hoạch của tỉnh không biết đến bao giờ được triển khai nhưng có một thực tế là đời sống và tính mạng của người dân nằm trong vùng quy hoạch đang hàng ngày bị uy hiếp.
“Người dân sẵn sàng nhường đất cho các dự án, nhưng nếu dự án triển khai thì phải tiến hành giải tỏa, bồi thường và đưa dân đến nơi ở mới, còn nếu không thì phải trả lại quyền sử dụng đất cho dân. Việc để quy hoạch treo kéo dài như thế này là thiếu trách nhiệm và coi thường tính mạng người dân”- ông Bá nói.
Theo tìm hiểu của NTNN, nhiều dự án, hạng mục nằm trong các khu quy hoạch trên hoàn toàn không có tính khả thi, có thể hàng chục năm sau vẫn chưa được triển khai. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cần sớm vào cuộc thẩm tra, rà soát lại những khu quy hoạch này để có những quyết định kịp thời giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Bà Phạm Thị Phương Mai - Chủ tịch UBND phường An Tây cho biết, tình trạng quy hoạch treo dai dẳng trên không chỉ khiến người dân sống bất an mà lãnh đạo phường cũng rất đau đầu. “Trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân liên tục phản ánh việc quy hoạch treo khiến đời sống của họ gặp khó khăn chồng chất. UBND phường cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này nhưng sự việc không được cấp trên giải quyết”- bà Mai thở dài.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.