Trồng sơ ri tốt um như trồng cây cảnh, dân Tiền Giang hái bán quanh năm như trái đặc sản rẻ tiền
Vườn tốt um tùm tưởng mọc cây dại, hóa ra nông dân Tiền Giang trồng thứ trái cây đặc sản đến từ Brazil
Quốc Toàn (Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang)
Thứ bảy, ngày 04/06/2022 13:00 PM (GMT+7)
Cây sơ ri được trồng ở vùng đất Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) từ lâu, chỉ có ở nơi đây sơ ri mới mang đầy đủ hương vị đặc sắc của nó mà chưa nơi nào có thể so sánh được. Vì vậy, sơ ri Gò Công được xem là một trong những loại cây ăn trái đặc sản của địa phương.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), diện tích trồng sơ ri trên địa bàn huyện thống kê đến tháng 4/2022 là 134,8 ha. Trong đó, tập trung trồng sơ ri nhiều nhất ở các xã: Bình Nghị, Bình Ân, Kiểng Phước và Tân Đông. Sản lượng trái sơ ri ước đạt gần 11.000 tấn/năm.
Từ lâu cây sơ ri được xem là cây xóa đói, giảm nghèo của vùng đất ven biển Gò Công, bởi nơi đây là vùng đất nhiễm mặn khiến người dân gặp không ít trở ngại trong việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, cây sơ ri dễ trồng không kén công chăm sóc, kỹ thuật trồng không khó, năng suất cao và cho trái thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Hòa, ấp Bà Lãnh, xã Tân Đông (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) sau nhiều năm gắn bó trồng cây sơ ri chia sẻ, nhờ điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng địa phương phù hợp nên cây sơ ri Gò Công hầu như rất sai trái, mỗi năm cho thu hoạch từ 6 - 7 đợt.
Hiện gia đình ông trồng trên 150 gốc sơ ri Brazil. Về năng suất, giống sơ ri Brazil cho năng suất cao hơn so với sơ ri nội địa và sơ ri ngọt, năng suất bình quân đạt 08 tấn/1.000m2/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá vật tư, phân bón tăng cao, với giá bán hiện nay 4.900 đồng/kg, trừ các khoản chi phí và thuê mướn nhân công thu hoạch, người trồng sơ ri thu về lợi nhuận không cao.
Còn ông Lê Văn Phùng, ấp Kinh Trên, xã Bình Ân bộc bạch, gia đình ông trồng 50 gốc sơ ri ngọt đã trên 10 năm, hiện nay, bán được giá 5.600 đồng/kg, vào thời điểm sơ ri chín rộ giá giảm chỉ còn 4.000 đồng/kg. Ông đang đăng ký tham gia làm thành viên Hợp tác xã (HTX) Sơ ri Gò Công Đông để giá tiêu thụ ổn định hơn.
Ông Huỳnh Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Sơ ri Gò Công Đông cho biết: Hiện HTX có 150 thành viên tại 04 xã trên địa bàn huyện và đã có ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.
Hiện nay, HTX trồng sơ ri theo hướng sạch, quy trình canh tác được thực hiện theo hướng dẫn của đơn vị thu mua. Những tháng dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, việc tiêu thụ trái sơ ri của HTX vẫn không bị ảnh hưởng.
Do nhận thấy lợi ích khi tham gia vào HTX nên có nhiều nông dân trồng sơ ri tại 04 xã trên địa bàn huyện nộp đơn xin tham gia. HTX đã được cấp chứng nhận sản xuất sơ ri theo chuẩn VietGAP với diện tích 10 ha của 20 hộ dân, sản lượng đáp ứng kịp thời cho nhu cầu thị trường.
Tiềm năng phát triển cây sơ ri huyện Gò Công Đông là rất lớn, tuy nhiên, hiện nay, đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, giá cả thiếu ổn định trong khi giá vật tư, giá nhân công tăng, khiến nhiều hộ dân không còn tha thiết với trái sơ ri nên diện tích hàng năm giảm dần.
Trong thời gian tới, để loại trái cây đặc sản này có thị trường ổn định và phát triển theo hướng bền vững, việc đầu tư phát triển sơ ri sạch và an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là vấn đề mà chính quyền địa phương đang rất quan tâm.
Chính quyền thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân sản xuất sơ ri sử dụng các loại phân, thuốc vi sinh, sinh học phù hợp để đảm bảo năng suất và chất lượng của sản phẩm, giảm chi phí cho người dân.
Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến để tiêu thụ trái sơ ri tươi và đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ trái sơ ri để giải quyết đầu ra sản phẩm như: Làm rượu, làm mứt, làm nước ép giải khát… để giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.