Vừa làm vừa học
Ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch Hội ND xã Thiệu Trung giới thiệu: Hiện xã có 22 cơ sở đúc đồng tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động với thu nhập từ 2,5-đến 3 triệu đồng/tháng. Đây là nghề cha truyền con nối nên hầu hết các cơ sở đúc đồng đều là những thương hiệu nổi tiếng chuyên về các sản phẩm gia dụng bằng đồng, các chi tiết máy móc, đồ mỹ nghệ… Nhờ nghề truyền thống, hơn 90% hộ ở nhà kiên cố, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa...
|
Công nhân xưởng đúc đồng của cơ sở anh Đặng Ích Hoàn. |
Theo ông Lân nghề đúc đồng ở Thiệu Trung chủ yếu là do người đi trước truyền lại cho người đi sau, ai có nhu cầu học nghề đến các cơ sở đúc đồng vừa học nghề vừa thực hành tại chỗ. Để giúp làng nghề phát triển, xã đã có dự án dành 5,7ha đất quy hoạch thành cụm làng nghề tập trung. Theo ông Trần Văn Tiến- Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Trung, việc quy hoạch sẽ tạo điều kiện phát triển cho làng nghề mở rộng quy mô sản xuất, thu hút được nhiều lao động có tay nghề và tránh ô nhiễm môi trường.
Mỗi năm đóng góp cho xã 15 tỷ đồng
Nằm sâu trong ngõ nhỏ là xưởng sản xuất của anh Lê Văn Bảy. Xưởng đúc trống đồng đang đỏ lửa. Tiếng máy mài, tiếng đánh thẩm âm khuấy động cả một vùng. Trong xưởng, người nhào đất, người đắp khuôn, người vẽ hoa văn... Sinh năm 1966, anh Bảy là một trong những nghệ nhân đúc đồng trẻ tuổi nhất xã. Trong nhà anh bày đủ các loại lư hương, trống, lục bình... Anh Bảy tâm sự: "Nhà tôi có 4 đời làm nghề đúc đồng, tôi được học nghề này từ bé”. Cơ sở của anh Bảy sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau, như trống đồng, đồ gia dụng, đồ thờ... Năm 2011, doanh thu của cơ sở anh gần 1 tỷ đồng.
Tới thăm Công ty TNHH Phục hồi nghề đúc đồng của anh Đặng Ích Hoàn, ngay từ ngoài các đồ đồng được trưng bày với đủ các kiểu dáng, mẫu mã. Anh Hoàn cho biết có 20 người thợ, chủ yếu là con em trong xã, mỗi tháng thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người".
“Hiện, nhà tôi có 20 thợ, chủ yếu là con em trong xã, mỗi tháng thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng”.
Anh Đặng Ích Hoàn
Anh Hoàn tự hào: "Hiện nay, không chỉ gia đình tôi mà nhiều xưởng đúc đồng trong xã có thể chế tác được những chiếc trống gần như nguyên mẫu về họa tiết, hoa văn, độ ngân vang, trầm bổng như những chiếc trống cổ". Anh Hoàn dẫn chúng tôi đi thăm xưởng và giới thiệu, tất cả các công đoạn từ chọn đất, phơi khô, giã nhỏ, nhào trấu, đắp khuôn, xe khuôn đều là những người thợ có kinh nghiệm. Mỗi khâu phải đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, chỉ cần sai sót nhỏ của bất kỳ phần nào, coi như mẻ ấy bỏ đi.
Theo các nghệ nhân ở Trà Đông, làm hoa văn cho trống đồng là công đoạn khó nhất. Cả xưởng có hàng chục công nhân chuyên nghiệp, nhưng chỉ 1-2 người làm được hoa văn. Các đường hoa văn vẽ trên mặt trống phải vừa nguyên dáng cổ nhưng phải sắc nét, thanh thoát và tinh tế. Vì vậy, đòi hỏi người thợ phải đạt đến trình độ tinh xảo mới đảm nhiệm được công đoạn khắc hoa văn vào cốt trống.
Theo ông Lân, thu nhập bình quân của các hộ làm nghề đúc đồng từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Trung bình mỗi năm nghề đúc đồng đóng góp vào ngân sách của xã 15 tỷ đồng.
Trang Li
Vui lòng nhập nội dung bình luận.