Anh là Nguyễn Văn Quang (32 tuổi, trú khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Kết nối trái tim nhân ái từ đôi chân liệt…
Qua lời trò chuyện với anh Nguyễn Văn Quang, tôi mới nhận ra rằng
chẳng phải nhiều tiền mới có thể làm từ thiện được, quan trọng hơn hết
vẫn là tấm lòng và trái tim của mình với những cảnh ngộ kém may mắn
hơn. Ngay từ những gặp lần đầu tiên, anh đã tạo cho chúng tôi một ấn
tượng sâu sắc về nghị lực phi thường của một người tật nguyền. Đó là một
chàng trai có khuôn mặt sáng sủa, tính khôi hài, đôi mắt ánh lên vẻ tự
tin bước đi trên đôi nạng gỗ đã mòn vẹt.
Nơi nào có những mảnh đời bất hạnh, nơi đó có dấu chân Quang
Sau khi thực hiện xong “sứ
mệnh” của mình với người nghèo, anh Quang một tay vịn vào tường một tay
đưa lên lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt nhưng vẫn hồ hởi
trò chuyện vui vẻ với chúng tôi. Anh kể bằng cái giọng khàn khàn về tuổi
thơ nhọc nhằn của mình. Anh tâm sự: “Từ khi sinh ra, sức khỏe anh đã ốm
yếu sẵn. Lúc lên 1 tuổi thì anh phát bệnh co giật dữ dội phải đi chạy
chữa ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Ngày qua ngày sức khỏe anh yếu
dần và kiệt sức không đi được…”.
Những tưởng đã không qua nổi năm đó nhưng rồi “Phật pháp nhiệm mầu”
(theo lời anh Quang) đã cứu sống anh. Dù di chứng của căn bệnh làm
anh bị liệt, chân tay trở nên lèo khoèo nhiều khi không chịu tuân theo ý
mình. Để đi được bằng chiếc nạng gỗ, anh cũng phải nỗ lực hết
sức. Đến nay, đôi nạng gỗ đã trở thành người bạn tâm giao của anh.
Mang tiếng là ở thành phố nhưng cả gia đình anh sống chung trong một
ngôi nhà vỏn vẹn chưa đầy 14m2, mọi sinh hoạt rất bất tiện và khó khăn.
Mẹ vừa lo đi làm vừa phải chăm sóc cho anh. Trước nghịch cảnh éo le của
mình, nhiều lúc anh thầm nghĩ: “Chết quách đi cho mẹ bớt gánh nặng”
nhưng rồi bằng sự động viên, bằng sự quan tâm của gia đình và bạn
bè, anh đã dần vượt qua mặc cảm, chịu khó học tập và làm việc,
hòa nhập với cuộc sống hiện tại.
Bây giờ vẫn thế, căn nhà cấp bốn nghèo nàn của gia đình anh nằm trong
một con hẻm nhỏ thường bị ngập mỗi khi mùa mưa đến chẳng có tài sản gì
đáng giá, nhưng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, và bạn bè của anh lúc
nào cũng ra vào để giúp đỡ, để cùng anh bàn bạc công tác từ thiện…
“Tui đâu có tuổi thơ đâu mà nói. Tuổi thơ của tui là những tháng ngày
vật vã trên giường bệnh để giành giật sự sống… Nhìn những mảnh đời bất
hạnh mà nghĩ lại phận mình càng thấy chạnh lòng” – anh Nguyễn Văn Quang
đã giãi bày những tâm sự rất thực về con đường hướng thiện của mình.
Anh Phạm Duy Khánh, Chi hội trưởng Nguyện Ước Xanh (Hội từ thiện Quảng
Nam) chia sẻ: “Quang là tình nguyện viên tích cực của Nguyện Ước Xanh.
Mặc dầu tuổi thơ Quang lớn lên với đầy bất hạnh nhưng Quang không bao
giờ mặc cảm hay tự ti. Nhiều khi nhìn chúng bạn tung tăng đến trường,
mọi người đi lại, nói chuyện nô đùa, Quang lại xịu mặt xuống tủi thân…
Nhưng đó là trước đây còn giờ thì điều đó không còn nữa. Nhờ suy nghĩ
tích vực và làm việc hết mình, Quang cảm thấy ấm áp hơn và bớt
hiu quạnh hơn”.
Tâm niệm sống là đem nụ cười đến với đời…
Từ một con người chỉ có thể nằm bất động một chỗ, chân phải mềm như
cọng bún, các khớp chân như rời ra không cử động được, Quang đã chịu
khó tập luyện, chỉ sau 2 năm anh đã vượt lên số phận bằng niềm tin,
niềm lạc quan hiếm có của một chàng trai tật nguyền để thực hiện ước mơ
hành thiện trả ơn đời.
Vượt lên tâm lý mặc cảm số phận kém may mắn, từ nhiều năm nay anh luôn
nhiệt tình tham gia công tác từ thiện của chi hội cũng như các đợt làm
từ thiện của hội từ thiện tỉnh.
Anh Quang trong các lần đi trao quà từ thiện
Chi hội từ thiện Nguyện Ước Xanh (Hội từ thiện Quảng Nam) ra đời đến nay
gần tròn 5 năm thì cũng chừng ấy năm anh gắn bó, rong ruổi cùng các bạn
tình nguyện viên kịp thời đến với các địa chỉ khó khăn, éo le. Và với
những mảnh đời bất hạnh được anh Quang giúp đỡ, họ sẽ không bao giờ quên
hình ảnh chàng thanh niên tật nguyền di chuyển trên đôi nạng gỗ.
“Đi rồi mới thấy cuộc sống này còn nhiều mảnh đời bất hạnh và thấy cần
lắm những trái tim của cộng đồng và thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều
người khác” - Quang tâm sự. Chân đi, tay làm, không nề hà bất cứ công
việc nào trong khả năng của mình, niềm vui của những người nhận được sự
giúp đỡ của chi hội cũng chính là niềm hạnh phúc lớn nhất trong Quang.
Anh Quang quan niệm: “Sống ở đời chỉ nên chấp nhận những gì mình đang có
mà đừng nhìn lên để than thân trách phận mình không bằng người khác.
Nếu ta thử 1 lần cúi mặt nhìn xuống thì sẽ thấy ta còn hạnh phúc hơn
biết bao người. Vì vậy ta phải biết trân trọng những gì đang có. Sống
vui, sống khỏe, sống có ích với đời”.
Anh luôn có mặt trong những chuyến đi làm từ thiện và nhiệt tình tham gia văn nghệ
Mang quan niệm sống ấy, từ chục năm nay, Quang đã làm được nhiều công
việc giúp ích nhiều người. Từ bữa cơm yêu thương, suất ăn miễn phí, lon
gạo tình người… đến những hoạt động về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn
của cả tỉnh Quảng Nam, đôi nạng gỗ đã theo chân anh đến mọi nẻo đường.
“Mặc dù phải di chuyển trên đôi nạng gỗ khó nhọc nhưng với chúng tôi
(CLB Nguyện Ước Xanh), khi giao việc gì Quang cũng rất nhanh nhẹn, hoạt
bát và hoàn thành tốt. Ở đâu có Quang là ở đó có niềm vui. Sự hài hước
của Quang giúp các thành viên xua tan mệt nhọc trong mỗi chuyến đi từ
thiện. Quả là tấm gương đáng để những tình nguyện viên khác của CLB học
tập” – anh Trung tự hào khi nói về anh Quang.
Những khó khăn trên con đường đầy chông gai luôn ở phía trước nhưng chưa
bao giờ Quang nản lòng mà ngược lại. Quang đã cố gắng hết mình để có
được những bước thành công ngày hôm nay. Và dường như với Quang, việc
giúp đỡ những người khó khăn, khuyết tật như là một hạnh phúc, một động
lực giúp Quang tiếp tục vượt lên số phận.
Nói về chàng thanh niên có trái tim nhân hậu này, anh Doãn Duy Trung,
chi hội phó Nguyện Ước Xanh, Quảng Nam cũng nhận xét: “Trong cuộc sống
này hiếm gặp những con người như Quang.
Quang đã vượt qua mọi rào cản để
cố gắng trở thành người có ích cho xã hội. Bằng đôi chân liệt và đôi
nạng gỗ, nhiều năm qua, Quang đã rong ruổi trên mọi nẻo đường mà Nguyện
Ước Xanh đi đến. Đó là tấm gương sáng “vượt lên chính mình” đáng để
chúng ta học hỏi và noi theo. Hơn nữa, đó là tấm lòng cao cả tuyệt vời
đáng được biểu dương và nhân rộng”.
Hà Kiều (Dòng Đời) (Hà Kiều (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.