Sông khô, ruộng mặnNhững năm trước phải đến tháng 3 hoặc thậm chí là đến tháng 5, nước sông tại Cầu Đỏ (Đà Nẵng) mới nhiễm mặn. Nhưng 3 năm gần đây, ngay từ đầu tháng 1, nước sông tại Cầu Đỏ đã nhiễm mặn. Có thời điểm, độ mặn lên gần 3.000mg/lít, không thể sử dụng để xử lý thành nước sinh hoạt.
Nguyên nhân khiến nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn là do nguồn nước từ sông Vu Gia phía thượng nguồn tỉnh Quảng Nam đổ về ít khiến nước biển lấn sâu vào đất liền. Ông Nguyễn Trường Ảnh - Giám đốc Công ty Cấp nước TP.Đà Nẵng cho rằng: “Chính bởi tình trạng nhiễm mặn như thế nên 2 năm nay công ty phải bơm nước bổ sung từ sông Yên tại đập An Trạch liên tục trong 6-7 tháng/năm. Tuy nhiên đến thời điểm này mực nước tại đập An Trạch ngày càng xuống thấp”.
Thủy điện chặn dòng khiến nước sông Vu Gia bị nhiễm mặn sớm.
Đề cập đến vấn đề trên, ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng lo ngại: “Chưa bao giờ trong 40 năm qua mực nước tại trạm bơm Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam) - một trong những nhánh sông Vu Gia cung cấp 80% lượng nước về Đà Nẵng lại thấp đến vậy. Lượng mưa giảm, cộng thêm các thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam) chặn dòng tích nước nên sông Cầu Đỏ gần như cạn kiệt và bị nhiễm mặn là điều đương nhiên”. Ông Thắng lo ngại, không chỉ nước sinh hoạt mà gần 2.000ha hoa màu ở huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn đang có nguy có khô cháy.
Ông Nguyễn Minh (trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) nói: “Nhà tôi có 4 sào lúa. Giai đoạn này lúa đang làm đòng nên rất cần nước. Gần một tuần nay tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để lấy nước vào ruộng nhưng chẳng được bao nhiêu”. Theo ông Minh, bà con nông dân ở đây phải mua máy bơm, bơm nước từ hồ Bàu Trung lên chữa cháy cho lúa. Tuy nhiên cả phường Hòa Quý có hơn 130ha lúa.
Chỉ mỗi hồ Bàu Trung không thể cung cấp đủ nước được. Hiện hồ này nước cũng đã gần chạm đáy. Nếu các nhà máy thủy điện cứ khư khư tích nước thì nguy cơ cả trăm ha lúa đông xuân của phường Hòa Quý bị chết cháy là điều hiển nhiên.
Nông dân điêu đứng
Cả phường Hòa Quý có hơn 130ha lúa. Chỉ mỗi hồ Bàu Trung không thể cung cấp đủ nước được.
|
Thủy điện tích nước dân cũng khổ mà thủy điện xả nước dân lại càng khổ hơn. Hiện nay hai bên bờ sông Vu Gia, đất ven sông liên tục bị trôi xuống sông, những cánh đồng xa tít tắp đã không còn nữa. Đó là hậu quả của việc thủy điện liên tục xả lũ. Ông Hồ An (trú thôn Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc) buồn rầu kể: “Trên bờ sông hiện đang có 40 nhà dân đứng trước nguy cơ sạt lở, hàng trăm hộ dân khác đang lâm vào cảnh khốn đốn vì cánh đồng của thôn rộng hơn 20ha trước mặt bị sạt lở hoàn toàn. Dòng Vu Gia đã thay đổi rồi”.
Thủy điện xả lũ đang là nỗi khiếp sợ của người dân huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Ông Nguyễn Minh (52 tuổi, trú xã Đại Minh, huyện Đại Lộc) lo âu khi nói đến việc xả lũ của Thủy điện A Vương: “Trận lũ vào ngày 29.9.2009 là nỗi kinh hoàng của người dân chúng tôi, 95% nhà dân toàn huyện Đại Lộc bị ngập, hàng trăm hécta hoa màu chìm trong biển nước. Tuy nhiên trận lũ đó chưa khủng khiếp bằng trận lũ tháng 11.2013, lũ về nhanh, bà con không kịp trở tay. Hàng trăm ha lúa, hàng nghìn ha rau màu cùng hàng chục nghìn gia súc, gia cầm chết chìm trong nước.
Đình Thiên (Đình Thiên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.