Sống năng động ở vùng quy hoạch “treo”

Thứ sáu, ngày 26/04/2013 16:25 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trúng vùng hoạch “treo”, khu Xuân Thiều (phương Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) rơi vào cảnh tiêu điều, hoang hóa. Vùng đất này chỉ “sống lại” từ khi HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Xuân Thiều ra đời...
Bình luận 0

Còn ở còn làm giàu

Ra đời năm 2011, quan điểm của HTX là thay vì sống lay lắt đợi chờ ngày giải tỏa thì hãy tận dụng từng ngày, từng tháng còn ở lại để làm ra tiền.

18 ND từng khó nhọc kiếm sống bằng bụi sắn, dây khoai trên vùng đất cát trắng khô cằn đã gia nhập HTX. Tại đây, họ được HTX tạo điều kiện trồng nấm, nuôi ba ba, cá sấu, trồng hoa cây cảnh, làm xây dựng, cơ khí... Việc làm đã giúp họ phấn chấn trở lại; sự hỗ trợ nghề nghiệp, đầu ra của HTX giúp họ có niềm tin ở công việc, lại thêm Hội ND thành phố cho họ vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất. Không khí nhộn nhịp, sống động đã hồi sinh trên vùng đất “treo”.

img
Mỗi năm, anh Nguyễn Ngọc Lan thu nhập 200 triệu đồng từ nấm.

Ông Ngô Xuân Nam - Chủ nhiệm HTX, từng làm nhiều nghề. Được ông Nguyễn Phú Ban - Chủ tịch Hội ND thành phố Đà Nẵng gợi ý nên làm HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp để giúp ND vùng quy hoạch “treo” có cuộc sống tốt hơn trước khi bị giải tỏa di dời, ông Nam nghe theo ngay. Ông Nam bỏ tiền đầu tư hệ thống nước sạch, xúc tiến kéo điện cho bà con.

“Tôi động viên bà con là không chờ đợi, thay vì chờ đợi, phó mặc thì hãy tranh thủ làm ăn. Không biết bao giờ mới hết “treo”, cứ còn ở là còn nỗ lực làm giàu” - ông Nam tâm sự. Quan điểm của ông là không xây dựng kiên cố, không làm cái gì dài hơi mà làm cái gì dễ di chuyển, gọn nhẹ để nhỡ thành phố thu hồi là chuyển đi ngay, không băn khoăn chuyện đền bù.

Nếu đi cũng có nghề để sống tốt

“Tôi động viên bà con là không chờ đợi, thay vì chờ đợi, phó mặc thì hãy tranh thủ làm ăn. Không biết bao giờ mới hết "treo", cứ còn ở là còn nỗ lực làm giàu”.

Năm 2012, HTX đã đạt doanh thu 3 tỷ đồng, con số thật bất ngờ. Hầu hết các xã viên đều có lãi. Trong đó, lãi cao tới hàng trăm triệu là anh Nguyễn Ngọc Lan. Anh Lan góp 4 sào đất khoai sắn vào HTX và được định hướng nuôi heo rừng, nhím, ba ba, cá sấu, trồng nấm... Năm 2012, HTX kiếm khách hàng cho anh tiêu thụ được 20 cặp nhím, với giá mỗi cặp 14 triệu đồng.

“Trước kia, vì vùng này là quy hoạch nên tôi không dám làm gì, chỉ trồng có mấy sào khoai sắn, cuộc sống khó khăn. Từ khi tham gia HTX, tôi mạnh dạn làm ăn, trong đầu không nghĩ chuyện giải tỏa, cứ bình tĩnh mà làm. Được HTX hỗ trợ đầu ra (tìm kiếm khách hàng và tư cách pháp nhân) nên việc tiêu thụ sản phẩm của tôi, bao gồm cả các động vật nuôi hoang dã, đều rất thuận lợi. Năm 2012, tôi lãi 300 triệu đồng. Năm nay hứa hẹn cao hơn” - anh Lan tâm sự. Nguồn thu lớn nhất đối với anh Lan là nấm. Anh có 6.600 bịch nấm. Mỗi ngày anh thu 30kg nấm, thu nhập 600.000 đồng; một năm 365 ngày, ngày nào cũng đều như vậy. Anh phải tuyển thêm lao động để làm phụ.

Theo ông Nguyễn Kim Dũng- Phó Chủ tịch Hội ND TP.Đà Nẵng, Trường Dạy nghề và Hỗ trợ ND Miền Trung vừa đồng ý đầu tư 600 triệu đồng để HTX xây dựng phòng cấy giống nấm nhằm phục vụ cho việc giảng dạy của trường cũng như cung cấp giống nấm cho thị trường. “HTX đang có hướng phát triển, các xã viên đã có cuộc sống ổn định ngay trong vùng quy hoạch “treo”. Sau này có bị giải tỏa tái định cư đi đâu, bà con cũng có sẵn cái nghề để sống tốt” - anh Dũng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem