Tôi cố bám vào một chiếc ghế băng
Chủ cửa hàng Rudi Herdiansyah, người thoát chết kỳ diệu trong trận sóng thần tối 22.12 ở Indonesia. Ảnh BBC.
Chủ cửa hàng Rudi Herdiansyah ở Cinangka, huyện Serang, tỉnh Banten chia sẻ, bãi biển vẫn êm ả, yên bình vào đêm 22.12 nhưng rồi đột nhiên anh nghe thấy "tiếng động rất lớn từ phía biển".
Ngay sau đó, một bức tường nước khổng lồ đập vào cửa hàng bên bờ biển của anh. Không kịp đề phòng, Herdiansyah bị sóng cuốn phăng và bị nhấn chìm xuống sâu dưới biển nước lạnh lẽo 3 lần.
May thay, vì đã từng tham gia cuộc diễn tập đối phó với sóng thần nên trong tình huống thập tử nhất sinh, anh Herdiansyah vẫn cố giữ bình tĩnh và tìm mọi cách tóm lấy bất cứ thứ gì có thể giúp anh sống sót xung quanh.
"Tôi bám được vào một chiếc ghế băng và sống sót. Ơn trời, tôi đã không bị va đập vào các mảnh vỡ", chủ cửa hàng người Indonesia chia sẻ với BBC và cho biết thêm rằng, gia đình anh sẽ sơ tán đến nhà người thân ở Cipacung, Serang, cho đến khi biết chắc tình hình không còn nguy hiểm nữa.
Tôi sợ mình sẽ chết
Azki Kurniawan, 16 tuổi cho biết, tối 22.12, cậu đang cùng 30 học sinh khác tham dự một khóa huấn luyện tại khách sạn Patra Comfort ở khu nghỉ mát nổi tiếng trên bãi biển Carita, Java thì nhiều người bất ngờ xông vào sảnh la lớn: "Nước biển đang dâng lên”.
Kurniawan cho biết, cậu không biết chuyện gì đang xảy ra vì không hề thấy có động đất. Cậu vội chạy đến bãi đỗ xe để lấy xe máy nhưng khu vực này đã bị ngập.
Quang cảnh tan hoang trên bãi biển Carita ở Pandeglang, tỉnh Banten, Indonesia sau trận sóng thần tối 22.12. Ảnh BBC.
“Đột nhiên, con sóng cao tới 1m đánh thẳng vào người tôi. Tôi ngã nhào xuống và nước cuốn phăng tôi. Tôi bị cuốn va vào một hàng rào của một tòa nhà cách bãi biển khoảng 30m. Tôi lập tức bám chặt lấy hàng rào, cố chống lại dòng nước đang cố cuốn tôi ra biển. Tôi đã bật khóc vì sợ hãi. Đây là sóng thần ư? Tôi sợ mình sẽ chết”, Kurniawan kể lại khoảnh khắc cậu chiến đấu với tử thần để giành giật sự sống giữa biển nước.
Có tận 2 đợt sóng
Oystein Lund Andersen, nhiếp ảnh gia núi lửa người Na Uy cho biết, anh đang ở trên bãi biển Anyer ở Tây Java một mình và cố chụp lại khoảnh khắc núi lửa Krakatau phun trào thì đột nhiên thấy một trận sóng lớn tràn vào bờ.
Andersen vội vàng bỏ chạy về khách sạn, nơi vợ và con trai anh đang say giấc và đánh thức mọi người dậy.
“Có hai đợt sóng. Đợt sóng đầu tiên không quá mạnh. Tôi có thể chạy thoát khỏi nó. Khi chạy về đến khách sạn, nhìn qua cửa sổ, tôi thấy đợt sóng thứ 2 lớn hơn nhiều đang ập đến. Đợt sóng này ập vào khách sạn. Các ô tô đều bị cuốn trôi ra ngoài đường. Gia đình tôi và những người khác trong khách sạn chạy thẳng vào rừng – nơi đất cao hơn để trốn”, nhiếp ảnh gia người Na Uy cho biết.
Asep Perangkat, người cũng vừa thoát chết thần kỳ trong trận sóng thần tối 22.12 tiết lộ, tất cả những người chạy trốn vào rừng đều an toàn, giữ được mạng sống.
Giới chức Indonesia cho biết, số người chết vì sóng thần đêm 22.12 tính đến tối 24.12 đã lên tới ít nhất 373 người, 1.459 người bị thương và 128 người vẫn mất tích. Cảnh báo sóng lớn sẽ được duy trì tới ngày 26.12. Hơn 12.000 người được sơ tán đến nơi có địa hình cao trên đảo Java và Sumatra, đề phòng những đợt sóng thần tiếp theo. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.