DW dẫn bản tin của kênh truyền hình Nhật NHK đưa tin, những đợt sóng cao tới 1m đầu tiên đã đổ bộ vào đất liền ngay sau trận động đất mạnh 7,2 độ Richter tấn công Nhật Bản hôm nay (20/3).
Theo DW, trận động đất này xảy ra không lâu sau khi Nhật Bản kỷ niệm 10 năm kể từ trận động đất mạnh 9,0 độ richter vào ngày 11/3/2011, cũng ảnh hưởng đến khu vực Miyagi, gây ra trận sóng thần cao hơn 40m, khiến gần 15.900 người thiệt mạng. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố và gây ra vụ rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng trong thảm họa này.
Tuy nhiên, đến 19h30 giờ địa phương, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã dỡ bỏ thông báo về sóng thần được ban hành sau trận động đất tấn công vùng đông bắc Nhật Bản trước đó.
Cảnh báo sóng thần cho các khu vực ven biển ở tỉnh Miyagi vừa được dỡ bỏ vào lúc 19h30.
Các quan chức của cơ quan cho biết có thể có một số thay đổi về mức thủy triều, nhưng không có lo ngại về thiệt hại do sóng thần sau động đất.
Trước đó, các nhà chức trách đã ban hành cảnh báo sóng thần cho Nhật Bản sau khi trận động đất mạnh 7,2 độ Richter xảy ra vào lúc 18h09 ngày 20/3 (16h09 giờ Hà Nội) ngoài khơi tỉnh Miyagi.
Trận động đất mạnh có tâm chấn nằm ở độ sâu 60 km, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết và ban hành khuyến cáo về sóng thần cao khoảng một mét.
Trận động đất khiến các tòa nhà ở thủ đô Tokyo rung lắc. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết tâm chấn động đất cách bờ biển Ishinomaki khoảng 34 km về phía đông.
Các quan chức nói rằng không có báo cáo ngay lập tức về thương tích hoặc thiệt hại lớn do động đất. Ít nhất 200 hộ gia đình ở Nhật hiện không có điện. Giới chức Nhật Bản đang kiểm tra tình trạng của các nhà máy điện hạt nhân trong vùng.
Khu vực phía đông bắc Nhật Bản hôm 13/2 cũng rung chuyển bởi trận động đất mạnh 7,3 độ ngoài khơi tỉnh Fukushima, gây ra lở đất sau đó. Hơn 100 người bị thương, hàng trăm nghìn ngôi nhà mất điện, giao thông đình trệ và tàu Shinkansen phải ngừng chạy vì đường ray hư hại. JMA nhận định đây là dư chấn của trận động đất hồi tháng 3/2011.
Nhật Bản nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", khu vực có hình dạng như móng ngựa kéo dài 40.000 km từ Nhật Bản, Indonesia cho đến California và Nam Mỹ ở phía bên kia Thái Bình Dương. Đây là nơi các mảng kiến tạo va chạm, thường xuyên gặp hoạt động địa chấn và núi lửa.
Do thường xuyên hứng chịu các trận động đất, Nhật Bản ban hành quy định xây dựng nghiêm ngặt nhằm đảm bảo các tòa nhà và công trình có thể chịu được những chấn động mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.