Sống với nỗi lo nước nhiễm độc

TÂN TIẾN Thứ bảy, ngày 08/08/2015 13:00 PM (GMT+7)
Trong 1.400 mẫu nước lấy ở 1.400 điểm (thuộc 7 quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh) được kiểm nghiệm chất lượng, chỉ có 3,21% số mẫu đạt yêu cầu hóa lý, vi sinh theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Địa phương tập trung nguồn nước kém chất lượng nhất là quận 12 với 11 điểm có mẫu nước chưa đảm bảo.
Bình luận 0

Nước uống vào sẽ bị ung thư?

Kết quả trên được lấy từ cuộc xét nghiệm kiểm tra chất lượng nguồn nước của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đối với các hộ dân chưa được sử dụng nước sạch tại 1.400 vị trí thuộc 7 quận - huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Tân, Thủ Đức, quận 12) mới đây. Cụ thể, từ 1.400 mẫu nước được lấy ngẫu nhiên để xét nghiệm kết quả có đến 1.342 mẫu (95,86%) không đạt chỉ tiêu hóa lý do độ pH thấp, hàm lượng sắt cao; và chỉ có 45/1.400 mẫu nước (chiếm 3,21%) đạt chất lượng cả chỉ tiêu hóa lý và vi sinh…

img

Do chưa có nước sạch, nhiều hộ dân ở Bình Chánh (TP.HCM) phải đi mua từng thùng nước về uống, nấu ăn. Ảnh: Tân Tiến

Đặc biệt kết quả xét nghiệm này cho thấy nhiều nơi nước bị nhiễm sắt và nhiễm amoni. Ông Nguyễn Chí Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cảnh báo: “Nhiều nơi nước có độ pH thấp ở mức 5, 4 thậm chí 3, nếu dùng lâu ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sẽ bị ngứa, bệnh ngoài da, trong quá trình ăn uống sẽ bị chướng bụng, khó tiêu. Còn nước nhiễm sắt quá cao, khi dùng có mùi tanh khiến buồn nôn, ảnh hưởng đến tiêu hóa, vật dụng hàng ngày. Riêng nước nhiễm amoni nếu dùng lâu làm cơ thể thiếu oxy, có khả năng gây ung thư”.

Đặc biệt những thông tin này vẫn chưa được cảnh báo đến người dân.

Ông Nguyễn Thành Chung- Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, cho biết đối với những khu vực nước bị nhiễm amoni, sở đã đưa vào kế hoạch lắp bồn nước và đồng hồ tổng vào cuối năm 2015”.

Được biết trong cuộc họp Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM vào tuần trước, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm- Chủ tịch HĐND TP.HCM đã yêu cầu Sở Y tế phải có trách nhiệm công bố rõ những nơi nào nước bị nhiễm sắt, nhiễm amoni cho người dân biết và địa phương nắm rõ để tìm biện pháp giải quyết ngay.

Còn nhiều báo cáo thành tích

UBND TP.HCM cho biết, đến cuối tháng 7.2015, thành phố vẫn còn 358.351 hộ dân (chiếm tỷ lệ 19,12% trong tổng số hộ dân TP.HCM) chưa được dùng nước sạch, hay nước ngầm đã qua xử lý mà phải dùng nước giếng khoan và nước mưa. Hiện địa bàn “nóng” nhất thiếu nước sạch là huyện Củ Chi, số liệu cho thấy toàn huyện chỉ có 3% người dân sử dụng nước sạch trên tổng số khoảng 397.000 hộ, 97% số hộ còn lại sử dụng nguồn giếng khoan.

Tại cuộc họp HĐND TPHCM, đại  biểu Nguyễn Tấn Tuyến - Phó ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM đã chỉ ra rằng, qua giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 28 của HĐND TP.HCM về “Chỉ tiêu phấn đấu 100% các hộ dân được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh” trong năm 2015, cho thấy còn nhiều bất hợp lý. Trong khi nhiều nơi không hoặc chưa có trạm cấp nước, thì tại 1 ấp của xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) có tới 4 trạm cấp nước nằm trong bán kính 500m. Trước đây, huyện Bình Chánh báo cáo cho rằng đã đạt 100% số hộ dân dùng nước sạch, tuy nhiên qua trực tiếp gặp gỡ và giám sát cho thấy tỷ lệ chỉ có 40%(!?).

Tương tự, đại biểu Đoàn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, cũng phản ánh: “Chúng ta đã đầu tư rất nhiều tiền cho việc cấp nước sạch, nhưng đến nay huyện Cần Giờ chỉ có… 2,5 xã được dẫn nước trực tiếp. Số còn lại phải chở bằng sà lan và thông qua các vệ tinh, như vậy có lãng phí không?”.

Theo báo cáo của HĐND TP.HCM,  hiện các quận, huyện còn nhiều hộ dân chưa tiếp cận được nguồn nước sạch, gồm: Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và quận 12… Riêng huyện Bình Chánh, chỉ dám phấn đấu đến hết năm 2015 có 65% hộ dân được dùng nước sạch (67.902/148.000 hộ), những nơi còn lại phải vừa dùng nước giếng vừa mua từng bình để ăn, uống. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem