Về nguy cơ dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam trong thời gian tới, theo các chuyên gia y tế, đỉnh dịch có thể rơi vào tháng 10 tới tháng 11.
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội đã ghi nhận gần 3.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) từ đầu năm đến nay, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện.
Tổng số ca SXH từ đầu năm 2020 đến nay tại Hà Nội là 2.922 ca; trong đó có 2 trường hợp tử vong, một số quận, huyện vẫn có số ca mắc khá cao như: Phúc Thọ (360 ca), Thường Tín (355 ca), Nam Từ Liêm (319 ca)... Riêng trong tuần qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận thêm 29 ổ dịch mới với 328 ca mắc.
Trong khi đó, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển, dịch bệnh SXH dễ bùng phát mạnh.
Hà Nội vẫn còn 47 ổ dịch quy mô thôn/xóm/tổ dân phố đang tồn tại. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục tăng cường tổ chức khoanh vùng, điều tra, vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch SXH theo quy định để ngăn chặn dịch lan rộng.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, thời gian tới tiếp tục ghi nhận số mắc và có thể có tử vong do đang vào thời điểm thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển theo diễn biến dịch tễ hằng năm.
“Mặc dù ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên công tác phòng chống dịch bệnh SXH dự báo sẽ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Đặc biệt, hiện nay bệnh SXH vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tập quán tích trữ nước của người dân, các công trình xây dựng ngày càng nhiều… là những vấn đề khó giải quyết và cần có kinh phí, thời gian để can thiệp", ông Tấn nêu.
Tại Hà Nội, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế, do còn nhiều nguy cơ bùng phát dịch nên tất cả mọi người dân phải quan tâm phòng chống ngay từ đầu. Nếu xuất hiện ổ dịch, có người bệnh thì ngay lập tức phải khống chế kịp thời để giúp cho việc hạn chế và lan rộng bùng phát mạnh.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong giai đoạn cao điểm của dịch SXH trong năm, Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì thường trực đội đáp ứng nhanh 24/7, đảm bảo kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.
Loại thuốc mà đội dập dịch của y tế dự phòng phường, xã tới nhà phun sẽ được miễn phí và người dân không phải trả bất cứ một khoản tiền nào khi phun chống dịch. Nếu nơi nào phun hóa chất chống dịch thu tiền thì không phải lực lượng chống dịch của ngành Y tế. Người dân thấy hiện tượng này cần báo lại cho chính quyền ngay lập tức.
Chuyên gia khuyến cáo, khi ghi nhận những dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần đến bệnh viện để thăm khám trong 3 ngày đầu.
Nếu có biểu hiện sốt đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, mệt nhiều thì cần đến các cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm máu xem có bị SXH hay không. Đây là một xét nghiệm đơn giản, nhanh phát hiện sớm SXH để bác sĩ có thể chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.