Số ca sốt xuất huyết tăng chóng mặt
Theo Báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay cả nước có hơn 71.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 người chết. So cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 24,8%, số người chết tăng 3 người.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua Hà Nội ghi nhận thêm 2.745 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) mới. Như vậy, đến nay, toàn thành phố ghi nhận 11.751 trường hợp, 6 trường hợp tử vong.
Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng chóng mặt.
Trước số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng chóng mặt, nhiều người lo sợ lây lan sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên về cơ chế lây truyền sốt xuất huyết, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, cơ chế lây truyền sốt xuất huyết như sau:
Muỗi đốt người bệnh, hút phải máu có virus, sau đó virus nhân lên trong cơ thể muỗi. Sốt xuất huyết có 2 khả năng lây truyền tiếp: Virus ra tuyến nước bọt của muỗi. Khi đốt người khác, chúng truyền virus cho người khác.
Ngoài ra, virus truyền sang trứng muỗi. Khi muỗi đẻ trứng nở thành loăng quăng lột xác thành muỗi thế hệ con. Lúc này, muỗi đi đốt người, truyền virus cho người khác là bị sốt xuất huyết.
Trước câu hỏi “sốt xuất huyết có lây truyền qua đường tình dục”, bác sĩ Cấp khẳng định: “Không có chuyện sốt xuất huyết lây truyền qua đường tình dục”.
Cũng theo bác sĩ Cấp, nếu người đang sốt xuất huyết mà hiến máu thì người nhận máu có thể nhiễm, nhưng điều này thì không bao giờ có. Bởi người đang đang sốt xuất huyết thì không thể hiến máu. Đến nay chưa từng ghi nhận ca sốt xuất huyết nào lây qua bơm kim tiêm. Và chưa ghi nhận ca nào lây từ máu của người sốt xuất huyết dính vào vết thương hở của người lành.
Sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn
ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết, sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn sốt cao, thường trong 3 ngày đầu. Bệnh nhân sốt cao liên tục, đau đầu, nhức vùng hốc mắt, đau mỏi các cơ khớp, đau tức thắt lưng.
Giai đoạn diễn biến nặng, thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh. Bệnh nhân lui sốt dần nhưng lại có thể xuất hiện các biến chứng nặng: Biến chứng tăng tính thấm thành mạch, gây thoát dịch khỏi mạch máu, làm máu trong lòng mạch cô đặc lại. Nếu không được bù dịch kịp thời sẽ làm thiếu thể tích trong lòng mạch, gây tụt huyết áp và sốc. Những trường hợp sốc nếu không được xử trí kịp thời có thể tử vong trong vòng một vài giờ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
Biến chứng hạ tiểu cầu trong máu. Nếu nặng có thể gây các chảy máu bất thường như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, hoặc các xuất huyết nội tạng nguy hiểm như: Chảy máu tiêu hóa, xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng hay băng kinh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được truyền tiểu cầu, cầm máu kịp thời.
Ngoài hai biến chứng thường gặp trên, người bệnh có thể có các biến chứng hiếm gặp hơn như: Viêm não, viêm cơ tim, hạ bạch cầu máu và giảm miễn dịch gây bội nhiễm vi khuẩn…
Giai đoạn hồi phục: Thường sau giai đoạn thoát dịch 24-48h: Bệnh nhân hết sốt, phần dịch thoát ra khỏi lòng mạch lại tái hấp thu lại làm gia tăng lượng dịch trong lòng mạch. Giai đoạn này cần hạn chế truyền dịch để tránh nguy cơ quá tải dịch.
Người bệnh cũng cần lưu ý, khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo sau phải đến cơ sở y tế ngay:
- Sau 3-4 ngày vẫn sốt cao liên tục
- Mệt lả
- Nôn, buồn nôn nhiều
- Vật vã hoặc li bì
- Đau bụng nhiều, đau tức vùng gan
- Tiểu ít
- Có các chảy máu bất thường: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.