Luxstay, mô hình chia sẻ phòng trọ “copy” từ Airbnb cũng nhận được hơn 10 triệu USD.
Hoạt động startup (khởi nghiệp) Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, sau Indonesia và Singapore về thu hút tiền đầu tư vào các startup.
Số lượng startup tăng từ 400 năm 2012 lên khoảng 3.000 năm 2019, được 30 vườn ươm khởi nghiệp và 10 trung tâm tăng tốc khởi nghiệp hỗ trợ. Theo số liệu từ Topica Founder Institute, năm 2018, các startup Việt Nam đón 889 triệu USD đầu tư, tăng gấp ba lần so với 291 triệu năm 2017. Cách đây 2 năm, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 ở Đông Nam Á.
Nhiều dự án được rót vốn
Nổi bật trong số các startup có ví điện tử MoMo nhận 100 triệu USD từ công ty đầu tư Mỹ Warburg Pincus vào cuối năm 2018i, trở thành công ty Việt Nam gọi được nhiều vốn nhất trong một vòng gọi vốn. Thương mại điện tử Tiki đã nhận 75 triệu USD hồi tháng 3 năm nay từ Northstar Group, công ty đầu tư Singapore. Cổng thanh toán VNPay nhận 50 triệu USD từ công ty đầu tư nhà nước Singapore GIC. VNG cũng nhận 29 triệu USD từ Temasek Holdings. Các công ty nhỏ như Luxstay, mô hình chia sẻ phòng trọ “copy” từ Airbnb cũng nhận được hơn 10 triệu USD sau vài vòng gọi vốn hay nền tảng quản lý bán hàng KiotViet cũng nhận được khoản đầu tư 6 triệu USD hồi tháng 8 năm nay…
Tuy mô hình kinh doanh của các startup Việt Nam không mới, nhưng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì thị trường 97,5 triệu dân đang có tỷ lệ tăng trưởng cao trong khu vực, 60% dân số dưới 35 tuổi, tỉ lệ dùng internet và di động cao. Tháng 8 năm nay, Grab tuyên bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới. Hiện dịch vụ đa nền tảng này đã có trung tâm nghiên cứu và phát triển ở TP.HCM với hơn 100 kỹ sư, sẵn sàng nghênh chiến với Go-Jek vốn đã bước vào thị trường Việt Nam với cái tên Go-Việt từ năm ngoái.
Giới truyền thông quốc tế như kênh truyền hình NBC NEWS nhận định, các startup công nghệ Việt Nam được hưởng lợi một phần từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Như Google tuyên bố hồi tháng 8 năm nay sẽ chuyển nhà sản xuất điện thoại Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam. Chính các nhà đầu tư Trung Quốc cũng quan tâm đến startup Việt Nam từ trước, thể hiện qua các khoản đầu tư của Tencent, Alibaba, JD.com… Một làn sóng đầu tư đáng kể khác đến từ Hàn Quốc. Theo Daniel Song của công ty đầu tư Access Venture, cách đây 4 năm, chỉ có 3 công ty đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam, bây giờ đã lên tới 15 công ty.
Singapore không chỉ đầu tư vào startup Việt Nam, mà cả các dự án startup của quốc gia này tại chính Việt Nam, điển hình là nền tảng thương mại điện Shopee và ví điện tử Airpay thuộc tập đoàn SEA đang được cộng đồng. Theo tờ Business Times (Singapore), các nhà đầu tư Singapore đang nhắm vào hai dịch vụ là thương mại điện tử và trung gian thanh toán vì tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ đạt 26% vào năm 2026 và 30% người tiêu dùng sẽ thường xuyên mua sắm online vào năm 2020.
Khó đủ thứ
Nhưng điều khó nhất cho các startup Việt Nam hiện giờ chính là… nhân sự. Hiện tại, Việt Nam có gần 250.000 lập trình viên, trong các năm tới, năm nào cầu cũng vượt trên cung khoảng 100.000 người, theo công ty tuyển dụng TopDev. Cầu nhiều hơn cung đã làm nhiều startup không gánh nổi quỹ lương. “Bây giờ, một bạn vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm nhiều, đã đòi lương của một kỹ sư làm sao trả nổi”, giám đốc công nghệ của một startup tại Sài Gòn than thở. Trong khi đó, chất lượng của lập trình viên ở Việt Nam không phải là quá cao nên các công việc như data science, business analytics cực kỳ thiếu người. Nhiều giám đốc startup nói rằng, họ (các kỹ sư trẻ) làm được các công nghệ cao như Blockchain, Big Data, AI… chỉ là “nổ”!
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho các startup Việt Nam chưa thoáng nên nhiều startup chưa biết xếp vào ngành nào để quản lý dẫn đến việc giấy phép hoạt động của họ bị ngâm rất lâu.
Mới đây, Nikkei Asian Review đăng một bài báo có tựa đề: “Startup công nghệ? Không, cám ơn” nói về việc quỹ đầu tư ra đời sớm nhất tại Việt Nam là Mekong Capital đã từ chối đầu tư vào các startup công nghệ. “Nhiều mô hình kinh doanh thiếu hợp lý”, ông Chris Freund từ quỹ này nhận xét và cảnh báo starup khu vực này bắt đầu có dấu hiệu “bong bóng”.
Một trong những thí dụ là các startup giao đồ ăn, đưa những mặt hàng có giá trị nhỏ như ly cà phê nhưng phải cạnh tranh với những siêu ứng dụng như Grab, dù rằng chính người dẫn đầu thị trường Grab cũng đang lỗ. “Tôi chẳng thấy cửa nào cho họ kiếm tiền. Nếu tiền đầu tư hết, các công ty như vậy sẽ sụp đổ”, ông Freund nói. Vị chuyên gia này đã đến Việt Nam từ năm 1994, làm việc cho công ty quản lý tài sản Templeton trước khi thành lập Mekong Capital năm 2001.
Phi Thanh Vân (trái) kêu gọi 3 tỷ đồng cho ứng dụng tư vấn tâm sinh lý nhưng các nhà đầu tư từ chối.
Mekong Capital từng thoái vốn thành công ở Masan, PNJ, FPT, Traphaco… Thương vụ đầu tư thành công nhất của họ trong công nghệ là Thế Giới Di Động với vốn đầu tư 3,5 triệu USD vào năm 2007, đến tháng 1/2018, họ bán hết cổ phiếu thu về 199 triệu USD. Tuy nhiên, Thế Giới Di Động không hẳn là công ty công nghệ thuần túy, mà là một công ty bán lẻ. Các công ty gọi vốn đình đám hiện nay như MoMo, Tiki vẫn đang “đốt tiền” để lấy thị trường.
Danh mục đầu tư hiện nay của Mekong Capital thực tế hơn: ABA, Nhất Tín (logitics), Pharmacity (bán lẻ dược phẩm), Yola (giáo dục), Chảo Đỏ (ẩm thực), F88 (cầm đồ), Precita (trang sức), Vua Nệm (tiêu dùng) và mới nhất là Pizza 4P’s (ẩm thực). Nhà đầu tư này tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng với các chuỗi cửa hàng, kết nối với các công ty logitics… Những lĩnh vực có thể nhìn thấy lợi nhuận ngay lập tức, chứ không mạo hiểm đưa tiền cho các startup dễ “hóa vàng” trong thời buổi nói nhiều làm ít và đang hồi cạnh tranh gay gắt.
(Theo Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.