Nhiều thách thức
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương; các Hiệp hội, tổ chức, chuyên gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPC, đại diện các công ty điện lực của 27 tỉnh thành phố và gần 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
60 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã ký thỏa thuận thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải năm 2019 và các năm tiếp theo.
Trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tạo tâm lý phấn khởi cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước mở rộng quy mô hoạt động, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên điều này cũng kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao với mức tăng trưởng nóng trên hai con số.
Đại diện EVNNPC cho biết, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng GDP trung bình khoảng 7% giai đoạn 2016-2030, hệ thống nguồn điện của Việt Nam (Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đến năm 2020 phải đạt 60.000 MW, đến 2025 khoảng 96.500 MW và đến 2030 gần 130.000 MW. Tuy nhiên đến nay, hệ thống nguồn điện của Việt Nam mới đạt khoảng gần 50.000 MW trong khi nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng cao, nhất là khu vực miền Nam. Đây là một thách thức rất lớn cho ngành điện Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu; áp lực truyền tải điện trên hệ thống đường dây 500kV Bắc Nam rất lớn; Một số dự án điện vào chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra; Giá năng lượng còn thấp, khó thu hút đầu tư tư nhân; Và những thách thức từ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng...
Các đại biểu Bộ ngành trung ương tham dự hội thảo.
Tại 27 tỉnh miền Bắc, nhu cầu sử dụng điện của các khách hàng, đặc biệt là khách hàng công nghiệp tăng đột biến so với bình quân cả nước, đạt trên 12%, thậm chí có địa phương tăng trên 15%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là không để thiếu điện, trong những năm qua, EVN, EVNNPC, một mặt vừa đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; vừa đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện. Tuy nhiên kết quả chưa đạt như mong muốn, nhất là trong khối doanh nghiệp. Nguyên nhân được chỉ ra là giá năng lượng ở Việt Nam chưa đúng với thị trường; vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng dây chuyền, máy móc, thiết bị cũ tiêu hao điện năng; ý thức của nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế; cơ chế hỗ trợ của Nhà nước chưa cụ thể, rõ ràng.
Đảm bảo an ninh năng lượng hiệu quả gắn với phát triển bền vững Để giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 279/QĐ – TTg phê quyệt chương Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu phụ tải giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ (DSM) với mục tiêu chính là: Đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng, độ tin cậy cấp điện; Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện; Nâng cao nhận thức của khách hàng và toàn xã hội.
Theo đó, phấn đấu giảm 300 MW công suất phụ tải đỉnh vào năm 2020; 1.000 MW vào năm 2025, 2.000 MW vào năm 2030. Đồng thời tăng hệ số phụ tải điện quốc gia từ 1-2% giai đoạn 2018-2020 và 3-4% giai đoạn 2021-2030.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ngày 28/1/2019, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-BCT về Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR) với mục tiêu giảm được ít nhất 30% công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, tương ứng 90 MW vào năm 2020, 300 MW vào năm 2025 và 600 MW vào năm 2030. Đây được coi là giải pháp quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Thực hiện chỉ đạo nêu trên, EVN và các Tổng công ty Điện lực đang tích cực triển khai trương trình điều chỉnh phụ tải (DR). Tại 27 tỉnh miền Bắc, EVNNPC cũng lựa chọn được trên 4.000 doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ từ 3 triệu kWh/năm trở lên để mời tham gia chương trình DR. Đến nay đã có hơn 1.600 doanh nghiệp tự ký kết tự nguyện tham gia.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp về chương trình DR.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao sự chủ động của EVNNPC, ngành điện trong việc triển khai chương trình, đồng thời nhấn mạnh: Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau trao đổi thông tin, tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải, góp phần hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao; hướng tới mục tiêu cuối cùng đó là đảm bảo an ninh năng lượng hiệu quả gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Cũng theo ông Tuấn, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo lần này sẽ góp phần quan trọng, làm cơ sở để Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp; Tạo điều kiện cho EVN và các Tổng công ty Điện lực thực hiện thành công chương trình. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Công Thương kêu gọi sự vào cuộc của các Bộ, Ban ngành, tổ chức liên quan, đặc biệt là vai trò của Chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Lê Quang Thái - Phó Tổng giám đốc EVNNPC cam kết, khách hàng tham gia chương trình DR sẽ được tạo điều kiện tối đa.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Quang Thái – Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, EVNNPC cam kết tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tham gia bằng việc hỗ trợ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; Đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện; Rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện; Hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện; Tư vấn miễn phí về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; Miễn phí vệ sinh định kỳ Trạm biến áp khách hàng; Hỗ trợ, tư vấn kiểm toán năng lượng; Chăm sóc khách hàng và các hỗ trợ khác...
Tại Hội thảo, các diễn giả, đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu bật các khó khăn, thách thức về hệ thống điện tại Việt Nam; Lợi ích của việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm; Đặc biệt EVNNPC cũng đã giới thiệu chi tiết nội dung và lợi ích của chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải; Các hỗ trợ của EVNNPC đối với doanh nghiệp tham gia chương trình DR tự nguyện; Đề xuất các cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình DR.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch thường trực VCCI cho biết, với tư cách là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi mong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tích cực hưởng ứng chương trình này, bằng việc tiết giảm và sử dụng năng lượng điện hiệu quả; tiết giảm các công đoạn, dây chuyền phù hợp vào giờ cao điểm vì điều này sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và ngành điện, cũng như quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, với lợi ích từ chương trình phụ tải, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia cùng ngành điện. Tỉnh Hưng Yên cũng cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả
Hội thảo đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Công ty Điện lực Hưng Yên, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên và 60 doanh nghiệp đã tham gia lễ ký kết Thỏa thuận thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.