Người sống sót duy nhất kể chuyện
Ông Hoàng Ngọc Bích kể: “Tôi mới nhập ngũ được 3 tháng thì được đưa về Trung đội 6, đại đội 2 tiểu đoàn 4 đóng tại Quảng Trị, Gio Linh. Ngày 2.9.1968, chúng tôi chiếm lĩnh khu vực từ Xuân Mỹ, Gio Mỹ tới Cửa Việt. Tối 15.10, Trung đội 6 được lệnh chuyển lên chiếm lĩnh Điểm cao 21. Đó là một đêm trắng vì chúng tôi vào chiếm lĩnh trận địa lúc 8 giờ tối và đến 4 giờ sáng phải xây xong công sự để chiến đấu ngay. Sáng 16.10, pháo bầy của địch ầm ầm bắn vào trận địa mấy chục phút rồi lại im ắng. Biết là địch chuẩn bị tấn công nên chúng tôi chờ đợi thời cơ chuẩn bị cho trận đánh.
Các cựu chiến binh của trung đoàn 270 năm xưa bên đài tưởng niệm .
Khoảng 9 giờ, hàng chục xe tăng địch bò lổm ngổm như cua vào và dùng ĐKZ nã vào trận địa. Sau nhiều đợt tấn công, trung đội 6 đã dũng cảm bẻ gãy các hướng mũi của địch. Tuy nhiên do không có lực lượng chi viện đến chiều 16.10 lực lượng ta đã thương vong nhiều và quân địch tràn lên. Cả ngày hôm đó trung đội 6 như những thiên thần xung trận lao ra từ các hầm cát bắn cháy 5 xe tăng của địch và hàng chục tên bị tiêu diệt. Khi đạn dược quân ta đã cạn mà xe tăng của địch vẫn tràn lên, chiến sĩ ta đã đánh giáp lá cà, nhưng 33 chiến sĩ quá là mỏng manh. Chúng tôi liên tục gục xuống và sau đó xe tăng địch đã quần nát toàn bộ công sự”.
Nửa đêm hôm ấy anh em trung đội 3 vào trận địa phát hiện thấy ông Hoàng Ngọc Bích thân thể trần truồng, sờ vào người vẫn còn nóng. Họ mừng rỡ đổ nước cho Bích tỉnh lại và đưa ông ra. Nửa tháng sau trận đánh uy hùng, ông Bích được kết nạp Đảng và đi dự Đại hội thi đua quyết thắng, nhận danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng toàn quân.
Ông Bích tiếp tục tham gia chiến đấu ở Nam Lào, Quảng Nam, bị thương nặng. Cuối năm 1973, được cấp trên cho phục viên ra Bắc.
Cuộc sống sau chiến tranh trăm bề thiếu thốn, phải đến năm 1985 ông Bích mới có dịp quay trở lại thăm chiến trường xưa. Đứng trước đồi cát trắng mênh mông, không biết bạn bè, đồng đội đang nằm ở đâu, lòng buồn vô hạn, ông chỉ lấy được một lọ cát tượng trưng cho thân thể đồng đội để mang về. Rồi ông bàn với vợ lập bàn thờ đồng đội ngay tại nhà mình.
Từ năm ấy, cứ đến ngày 16.10 hàng năm ông làm cơm cúng giỗ cả đơn vị trong ngôi nhà chật hẹp 7m2 ở Đại Mỗ. Vừa dạy học vừa bươn chải đủ nghề, dành dụm được bao nhiêu tiền ông lại lên đường đi tìm đồng đội ở tiểu đoàn 4 năm xưa và vào Gio Mỹ để tìm hài cốt các liệt sĩ.
Qua bao năm tháng, số đồng đội mà ông Bích kết nối được ngày càng đông hơn. Đến năm 1989, ông đã tìm và kết nối được với gần 10 bạn chiến đấu. Họ cùng để ra một quy ước: “ Lấy ngày 16.10 hành năm là ngày giỗ của trung đội 6, mỗi năm luân phiên tổ chức ở nhà mỗi người. Thấy anh em còn nhiều điều kiện thiếu thốn khó khăn, ông Bích đề xuất: “ Thôi từ nay ngày 16.10 anh em cứ về Hà Nội cúng giỗ đồng đội tại nhà tôi”.
Hành trình "như mơ" khi tìm lại tên cho các liệt sĩ
Ông Bích kể: “Do mới đến đơn vị được ba tháng thì bước vào trận đánh, nên tôi chưa biết tên hết các liệt sĩ. Tôi gom góp toàn bộ số tiền của mình được 20 triệu đồng, vào Gio Mỹ xin cho phép dựng bia. Tôi đề nghị chỗ ghi tên tuổi các liệt sĩ để trắng chờ tôi xác định được tên tuổi”. Tiếp tục sau nhiều năm lặn lội đi tìm kiếm, tình cờ ông Bích đã gặp Đại tá Võ Xuân Cánh - nguyên chỉ hủy trưởng Bộ chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Linh. Điều diệu kỳ và may mắn là ông Cánh vẫn giữ được bản danh sách trung đoàn 270. Lần xem từng cái tên, đến phần trung đội 6 ông Bích mừng phát khóc. Tên tuổi của 32 liệt sĩ hiện ra như trong một giấc mơ.
Có bản danh sách trong tay, ông Bích tiếp tục viết thư báo cho gia đình 32 liệt sĩ. Bức thư ngắn gọn kể lại sự hy sinh anh dũng của trung đội, kể lại chuyện những người còn sống mới dựng lên tấm bia tưởng niệm các anh ở Đổi Cát. Thư gửi đi được ít lâu, ông Bích liên tục nhận được hồi âm. Lá thư nhỏ bé của ông đã mang đến bao niềm hạnh phúc vô bờ bến cho 32 gia đình thân nhân liệt sĩ đã ngóng tin chờ đợi con em mình trong suốt nhiều năm nay.
Và từ ngày đó, Đồi Cát không còn hoang vu lặng thầm nữa mà thường xuyên có sự thăm viếng của 32 gia đình liệt sĩ và các bạn bè đồng đội cũ.
Cuộc hội ngộ kỳ lạ “trong tâm tưởng” với 32 liệt sĩ của vị giáo sư già
Vào khoảng giữa năm 2011, đề nghị của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, với sự giúp đỡ tận tình của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp- Tổng giám đốc Tổng công ty 36, một dự án xây dựng tượng đài trên Đồi Cát đã được khởi thảo. Đại tá Nguyễn Đăng Giáp rất cảm động khi nghe câu chuyện này. Bản thân ông cũng có một người em liệt sĩ nên vô cùng đồng cảm với gia đình của 32 liệt sĩ.
Mới đầu, công ty 36 đề nghị ủng hộ 100 triệu đồng, nhưng sau khi gặp gỡ ông Bích, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp muốn xây dựng bia ghi công những người ngã xuống chu đáo hơn, quy mô hơn để xứng đáng với tầm vóc của trận chiến bi hùng này. Tổng Công ty 36 sẽ là “chủ đầu tư” lo từ A đến Z. Nhiều cá nhân, các đơn vị thành viên đã tự nguyện tham gia đóng góp thêm và số tiền thu được đã lên tới 1,25 tỷ đồng. Dưới ánh nắng hè gay gắt và cái nóng đổ lửa của miền Trung, Tổng Công ty 36 đã tích cực làm việc để Tượng đài kịp hoàn thành trước tháng 7 âm lịch “xá tội vong nhân”. Đồi Cát giờ đã mọc lên Đài tưởng niệm cao hơn 6m, và bia ghi danh 32 liệt sĩ, tóm tắt lịch sử trận đánh…
Sáng ngày 19.8.2013, tượng đài Tri ân những liệt sỹ đã ngã xuống trên đồi Gio Cát được khánh thành. Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, Trung tướng Hữu Ước…, 32 gia đình liệt sĩ, các cựu quân nhân, hàng chục vị tướng lĩnh, các nhà báo đã có mặt…
Vốn biết giáo sư Nguyễn Chí Tình là một người uyên bác về văn hóa và rất giỏi viết văn tế theo lối cổ nên trước đó Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã đích thân gặp giáo sư Tình để đề nghị ông viết riêng một bài văn tế 32 liệt sĩ nên đọc trong dịp khánh thành tượng đài. Giáo sư Nguyễn Chí Tình đã nhận lời, và ông dày công nghiên cứu trận huyết chiến, để mong sao trong bài văn tế sẽ phản ánh được tinh thần dũng cảm vô song, tráng khí anh hùng ngất trời của những người đã khuất và mong hương hồn các liệt sĩ vẫn sống cùng cây cỏ đất nước phù hộ cho non song đất nước mãi sạch bóng quân thù.
Giáo sư Nguyễn Chí Tình.
Đúng 13 giờ ngày 19.8.2013, khi văn tế vừa đọc dứt, bỗng nhiên giáo sư Tình đứng lặng phắc như trời chồng giữa cái nắng chói chang trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Cũng không thấy ông có biểu hiện mệt mỏi và dường như có một "năng lượng lạ" giữ ông đứng vững. Mọi người định chạy đến đỡ ông ngồi xuống cho khỏi mệt vì ông đã 80 tuổi, sợ ông có thể ngất dưới cái nóng 400C nhưng không thuyết phục được.
Theo giáo sư kể lại, trong 3 tiếng đó ông đã lần lượt gặp và “nói chuyện” với 32 liệt sĩ. Họ còn rất trẻ, hơi gày và xanh, rắn rỏi. Anh chính trị viên thì đứng tuổi hơn một chút, áng chừng gần 30 tuổi. Một số hỏi han về tình hình hiện nay ở quê hương, một số hát những bài hát cách mạng ngày trước… Các anh nói lâu chưa về quê. Không rõ bố mẹ già dạo này thế nào.
Qua nói chuyện, hỏi han, giáo sư Tình biết một số tên tuổi quê quán của các liệt sĩ. Có một anh tên Tuấn nhờ giáo sư về quê nhắn tin với người yêu cũ là H, đừng chờ nữa. Anh mong cô H nên lập gia đình mới. Sau một khoảng thời gian nhất định, bóng hình các anh mờ dần và nhòe đi. Khi đó giáo sư bỗng “tỉnh lại”. Ông quay ra trao đổi với ông Bích thì lạ lùng thay tên tuổi quê quán của những người giáo sư vừa gặp giao lưu “trong mơ” đều trùng khớp với danh sách liệt sĩ có trong tay ông Bích.
Giáo sư Tình có trao đổi với bà Phan Oanh (Xuân Đỉnh, Hà Nội) một nhà "ngoại cảm" về hiện tượng “thần giao cách cảm” đã xảy ra ở trên. Bà Oanh cho biết: “Xét dưới góc độ tâm linh, do cơ duyên là người đã trực tiếp soạn văn tế và bản thân giáo sư là người có tâm cao đức trọng nên đã xảy ra hiện tượng “giao cảm” trên. Đây là hiện tượng hy hữu không thường xuyên xảy ra”.
"Vậy nên hôm nay:
Ngày rằm lễ lớn tới kỳ
Tháng Bảy mùa Thu đang độ
Lẽ tự nhiên trời đất giao hòa
Theo truyền thống âm dương gặp gỡ
Hồn thiêng các anh trở về
Cửa lớn công trình đã mở
Đài ghi danh giữa chiến trường xưa
Nhà tưởng niệm trên nền đồi cũ."
(Trích Văn tế Liệt sĩ đồi 21- GS. Nguyễn Chí Tình soạn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.