Là một ngành kinh doanh ít có sự xáo trộn do rào cản tham gia quá cao, hàng không trước nay chỉ là sân chơi của số ít tên tuổi. Xét riêng về thị phần vận chuyển hành khách, trên thị trường chỉ biết đến hai tên tuổi lớn nhất và cũng có mức thị phần tương đương nhau là Vietnam Airlines và Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Trên sàn chứng khoán, hai cái tên này cũng từng so kè nhau về mức độ tăng trưởng.
Tuy nhiên, dù kinh doanh trong cùng một lĩnh vực, sự vận động của cổ phiếu Vietjet và Vietnam Airlines hoàn toàn khác nhau.
Sự vận động của hai cổ phiếu hàng không
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines là một ví dụ điển hình về việc đi ngược lại xu hướng chung của thị trường. Nếu như VN-Index tăng liên tục từ giữa năm 2017 và đạt đỉnh hơn 1.200 điểm vào đầu tháng 4.2018 thì HVN lại có bước sóng ngắn hơn đáng kể.
Cổ phiếu này tăng lên mức đỉnh gần 70.000 đồng vào cuối tháng 1.2018 trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh liên tục hơn nửa năm. Đến thời điểm gần nhất, mỗi cổ phiếu HVN chỉ được giao dịch trong khoảng 38.000 – 40.000 đồng, chỉ tương đương khoảng 60% so với mức đỉnh xác lập trước đó.
Trong khi đó, Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại có biến động khá tương đồng với sự vận động của thị trường chung. Cổ phiếu VJC rục rịch đà tăng từ đầu tháng 10.2017 và kéo dài đến đầu tháng 4.2018, cùng thời điểm khi VN-Index chạm đỉnh hơn 1.200 điểm. Sau khi lên gần 190.000 đồng (mức giá sau điều chỉnh), cổ phiếu này rơi gần 40% cùng với đà giảm chung của thị trường chỉ sau gần 2 tháng, đưa cổ phiếu VJC về mức đáy hơn 115.000 đồng, trước khi tăng ngược trở lại.
Kể từ đầu tháng 8 đến nay, bộ đôi cổ phiếu ngành hàng không đều đang rục rịch tăng giá sau khi hai doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh bán niên. Với những con số lợi nhuận tăng mạnh, cả VJC và HVN đều thu hút sự chú ý trở lại của nhà đầu tư.
Tuy vậy, bức tranh hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp lại mang những sắc thái riêng biệt, và điều này ít nhiều có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi trong ngắn hạn của hai cổ phiếu này.
Sự khác biệt về lợi nhuận của 2 cổ phiếu hàng không
Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có lẽ là cái tên khá đặc biệt khi báo cáo tài chính riêng và hợp nhất có hai sắc thái trái ngược nhau.
Báo cáo tài chính riêng của Vietjet Air ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Hai khoản mục này đạt 8.588 tỷ và 837 tỷ đồng trong quý II.2018, tăng lần lượt 52% và 25% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên trong báo cáo tài chính hợp nhất, hai chỉ số này đều giảm mạnh. Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất chỉ hơn 8.600 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức gần 11.300 tỷ của cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận trước thuế cũng giảm gần 40%.
Sự khác biệt này đến từ nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay. Trong những năm gần đây, hoạt động này luôn đóng góp từ 40-50% doanh thu và lợi nhuận cho Vietjet Air. Tuy nhiên trong quý II.2018, hãng bay này không phát sinh kết quả hoạt động từ nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của Vietjet Air có sự chênh lệch lớn giữa báo cáo riêng và hợp nhất.
Tuy kết quả hợp nhất có sụt giảm, nhưng điểm tích cực với hãng hàng không này là doanh thu vận chuyển hành khách vẫn có sự tăng trưởng khá mạnh. Trong quý II, vận chuyển hàng khách đem về cho Vietjet hơn 6.550 tỷ đồng, tăng 55% so với quý II.2017. Doanh thu hoạt động phụ trợ cũng tăng tương ứng lên gần 2.000 tỷ đồng.
Nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay từng được được nhiều chuyên gia nhìn nhận là con dao hai lưỡi với những doanh nghiệp hàng không. Dù có thể ngay lập tức ghi nhận khoản lợi nhuận lớn từ các hợp đồng bán máy bay, nhưng chi phí thuê lại trong tương lai ngày càng cao sẽ trở thành gánh nặng lớn, tạo áp lực lên sự tăng trưởng.
Với Vietnam Airlines, mặc dù cũng thị phần tương đương nhưng doanh thu của hãng hàng không này cao gấp nhiều lần Vietjet. Trên thực tế, thị phần vận chuyển hành khách căn cứ trên số lượt khách di chuyển của từng hãng, trong khi doanh thu sẽ căn cứ vào giá vé và nhiều yếu tố khác.
Doanh thu trong quý II.2018 của Vietnam Airlines đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng của giá vốn hàng bán chậm hơn mức tăng trưởng doanh thu nên lợi nhuận gộp thu về đạt 3.061 tỷ đồng, tăng gần 40% so với quý II.2017.
Tuy nhiên, một yếu tố không mấy tích cực là khoản lỗ tỷ giá tới hơn 830 tỷ đồng. Điều này là nguyên nhân chính khiến chi phí tài chính tăng 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II, khoản mục này gấp gần 2 lần cùng kỳ, ở mức 1.300 tỷ đồng.
Với đặc thù hoạt động khác hẳn so với Vietjet Air, cơ cấu vốn của Vietnam Airlines phụ thuộc lớn vào nợ vay để mua máy bay, trong đó có một số khoản vay bằng ngoại tệ. Điều này khiến Vietnam Airlines khá nhạy cảm với tỷ giá.
Nợ phải trả của công ty tại thời điểm kết thúc quý II.2018 ở mức gần 70.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nguồn vốn hoạt động. Trong đó, vay nợ ngắn hạn và dài hạn ở mức gần tương đương nhau, và có khoảng 43.000 tỷ đồng là tiền vay ngân hàng. Trước áp lực về tỷ giá ngày càng gia tăng, lỗ tỷ giá trong tương lai có thể trở thành vấn đề mà doanh nghiệp này phải quan tâm.
Với những điểm đáng lưu ý trên, lợi nhuận của 2 cổ phiếu hàng không cũng có sự khác biệt. Theo đó, tuy doanh thu rất cao nhưng lợi nhuận 6 tháng của Vietnam Airline là 1.511 tỷ đồng, còn Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 2.076 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.