Sứ mệnh bảo vệ người nông dân

Thứ hai, ngày 25/11/2013 07:21 AM (GMT+7)
Ở góc độ nghề nghiệp, Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) là một “sân chơi” rộng với đủ các loại đề tài có thể cày xới.
Bình luận 0
Nhưng trên hết, tôi nhận thấy hơn 1 triệu nông dân Hải Phòng cần NTNN như chiếc cầu nối để chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của mình. Tôi luôn tự hào về điều đó, luôn thấy trách nhiệm nặng nề trước sứ mệnh đó.

Một quyết định đúng đắn

Tôi đến với NTNN khi đang là phóng viên thường trú của Báo Văn Nghệ Trẻ ở Hải Phòng. Sau thành công của loạt bài điều tra tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn, người dân ở Hải Phòng và nhiều tỉnh thành đã tin tưởng, đơn từ gửi đến tôi rất nhiều. Nhưng với thời lượng của tờ Văn Nghệ Trẻ l tuần/kỳ, số trang dành cho các bài điều tra, điều tra theo đơn thư bạn đọc, pháp luật... có hạn nên tôi luôn trong tình trạng “nợ nần chồng chất” đối với bạn đọc.

Nhà báo Vũ Thị Hải (phải) làm việc gia đình ông chủ đầm Lê Đình Thảo.
Nhà báo Vũ Thị Hải (phải) làm việc gia đình ông chủ đầm Lê Đình Thảo.

Giữa lúc ấy (năm 2007) thì anh Lưu Quang Định (khi đó đang là Phó Tổng Biên tập Báo NTNN) xuống Hải Phòng. Tôi biết tiếng anh Định không chỉ bởi anh là em trai kịch tác gia nổi tiếng Lưu Quang Vũ mà từ những đóng góp của anh với vai trò Thư ký Tòa soạn của Báo Lao Động. Thỉnh thoảng đọc bài viết của anh trên tờ báo lớn của giai cấp công nhân, tôi vô cùng xúc động và khâm phục. Anh về làm Phó Tổng Biên tập Báo NTNN dưới thời Tổng Biên tập Võ Mai Nhung- tờ báo viết về nông thôn vốn đã có tiếng, đang trong quá trình cải cách, phấn đấu vươn lên vị thế số một viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì thế, khi anh đặt vấn đề mời tôi về với Báo NTNN, không chút đắn đo, tôi nhận lời ngay.

Cho đến nay, tôi vẫn luôn hài lòng với quyết định ngày đó của mình. Hải Phòng, tuy là thành phố lớn, nhưng vẫn có tới 70% dân số sống ở các vùng nông thôn, một thành phố trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa với tốc độ nhanh đến chóng mặt làm nảy sinh quá nhiều mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, mâu thuẫn lợi ích giữa doanh nghiệp với người nông dân bị mất đất... Kéo theo đó là vô vàn những bức xúc của người dân trước hành xử chưa đúng của các cấp chính quyền, trước tệ nạn xã hội, tệ quan liêu, tiêu cực, tham nhũng... Báo NTNN chính là chiếc cầu nối của nông dân với các cấp Đảng và chính quyền. Một ví dụ rất rõ đó là ngày 5.1.2012- ngay sau sự kiện anh em ông Đoàn Văn Vươn nổ súng vào đoàn cưỡng chế thu hồi đất của huyện Tiên Lãng, Tổng Biên tập Lưu Quang Định ra mệnh lệnh: Anh em ở Hải Phòng phải tìm hiểu cho rõ vì sao một nông dân lại có những hành động chống lại chính quyền như vậy? Những uẩn ức đằng sau của anh em ông Vươn là gì?

Bi kịch của kẻ cùng đường

Phân công phóng viên Mạnh Thắng theo dõi, đưa tin cập nhật diễn biến thời sự của vụ việc, tôi lặng lẽ đi tìm nguồn cơn đẩy những người nông dân chân đất dám cầm súng xả vào công an, bộ đội làm rúng động cả nước, gánh về mình trọng tội giết người, kẻ bị bắt vào tù, kẻ phải bỏ trốn biệt tăm, những đứa trẻ bơ vơ trước những ngày tết Nguyên đán cận kề. Thảm cảnh tan nát đó ám ảnh tôi suốt những ngày sau đó, khiến tôi hầu như chẳng có lúc nào được nguôi ngoai. Rồi tôi cũng đã nhanh chóng tìm được câu trả lời.

Thảm cảnh tan nát của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ám ảnh tôi suốt những ngày sau đó, khiến tôi hầu như chẳng có lúc nào được nguôi ngoai. Rồi tôi cũng đã nhanh chóng tìm được câu trả lời: Đó là cách chọn của kẻ cùng đường...

Ông Vươn và những người anh em con cháu trong vụ án này là những người nông dân lao động chăm chỉ, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận đương đầu với khó khăn, sóng gió để chinh phục biển cả. Họ không phải côn đồ hung hãn, có dòng máu lạnh, sẵn sàng xả súng vào người khác. Không phải họ không lựa chọn biện pháp khác. Nhiều năm trời, suốt từ năm 2004, ông Đoàn Văn Vươn đã liên tục viết hàng loạt đơn gửi tất cả các cấp, thậm chí ngay đến sát ngày bị bắt, ngay trong buổi sáng khi đoàn tiến hành cưỡng chế, ông Vươn vẫn đôn đáo đem đơn đi kêu cứu khắp nơi. UBND huyện đã tổ chức đối thoại 8 lần nhưng cả 8 lần cán bộ huyện chỉ muốn áp đặt, bắt buộc người dân phải bàn giao vô điều kiện toàn bộ vùng đầm. Nhờ đến tòa án cũng không có kết quả. Chọn cái chết để chống lại lệnh cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng khi đó là cách chọn của kẻ cùng đường.

Trước đó, gia đình ông Lê Đình Thảo ở xã Tiên Thắng cũng lâm vào cảnh tương tự. Cả 3 cấp xét xử từ huyện đến thành phố, trung ương đều khẳng định quyết định thu hồi đất và không bồi thường của huyện là đúng. Hai lần Viện KSND Tối cao có văn bản kháng nghị đối với bản án phúc thẩm thì cả hai lần đều bị TAND Tối cao và Hội đồng giám đốc thẩm bác bỏ. Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng đã được thực thi bởi một buổi cưỡng chế. Không có tiếng mìn nổ. Không có tiếng súng. Gần một năm sau cuộc cưỡng chế đó, ông Lê Đình Thảo, từ một chủ đầm cao lớn mạnh khỏe, vì “của đau con xót”, vì vẫn gửi đơn từ đi khắp nơi nhưng không nhận được hồi âm, mà đổ bệnh rồi chết. Cái chết của ông Thảo như một lời cảnh báo đối với gia đình ông Vươn và những hộ đang làm đầm giống như ông, nhưng lại không thức tỉnh được lương tâm của những quan chức chính quyền quan liêu.

Tuy anh em ông Vươn đã phải trả một cái giá quá đắt cho hành vi vi phạm pháp luật, nhưng “tiếng kêu cứu” của họ đã thực sự vang lên, thúc đẩy quá trình cải sửa Luật Đất đai theo hướng giảm bất công, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con nông dân. Những bài báo viết về ông Vươn, về bà Thương (vợ ông Vươn), bà Hiền (vợ ông Quý) và những người nông dân gặp cảnh oan ức tương tự ở Tiên Lãng đã lần lượt ra đời. Cùng với các đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí khác, NTNN với hàng loạt bài viết ở nhiều góc cạnh khác nhau đã góp thêm những tiếng nói thúc đẩy các cơ quan chức năng của T.Ư vào cuộc, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng là sai quy trình, trái đạo lý.
Vũ Thị Hải (Vũ Thị Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem