Sự nhân ái trong văn chương Kim Nhũ

Nhà văn Trần Thị Trường Thứ tư, ngày 06/12/2023 06:30 AM (GMT+7)
Dường như tôi có duyên với văn thơ của Kim Nhũ, thường được chị gửi cho đọc, hoặc tôi tự tìm đọc trên “phây búc” của chị.
Bình luận 0

Chị đã in ba tập thơ và một số truyện ngắn trên các báo, nhưng lần này chị tập hợp lại thành một cuốn, mỏng thôi, hai trăm trang, già nửa là truyện ngắn, còn lại là tạp văn, tôi đọc một lèo, hết ngay, cái nào cũng thích. Thích ở chỗ mộc mạc, chân chất, ở sự nhân hậu, ở nhãn quan sát tinh tế của ngòi bút. Không màu mè, không làm duyên, gặp người gặp cảnh thấy rung động là cầm bút viết. Viết như để nói lên những ý nghĩ vừa chạy qua tâm trí mình, thôi thúc mình, nếu không viết thì “không thể tha thứ được cho mình”. 

Cả chín truyện ngắn trong tập này đều khởi nguồn từ ý nghĩ đó, từ sự trăn trở lương tâm đó. Mỗi truyện là một mảnh đời, một số phận với những éo le, nghịch cảnh… được kể ra theo cách trung thực nhất, để rồi dẫn người đọc đi theo những nhọc nhằn và cố gắng tồn tại của họ, thương xót và cảm thông với số phận của họ. Truyện nào rồi cái kết cũng có hậu, mà không phải là sự gượng ép của một mẫu văn truyền thống, đó chính là góc nhìn của tác giả đối với con người và cuộc đời.

Sự nhân ái trong văn chương Kim Nhũ - Ảnh 1.

Tập truyện ngắn và tạp văn của tác giả Kim Nhũ. (Ảnh: Tác giả bài viết cung cấp)

Chơi với Kim Nhũ đã lâu thấy chị là con người phúc hậu, tử tế. Viết chính như chị sống và sống như chị viết. Chị luôn nhìn ra cái tốt, cái đẹp, cái nhân hậu của con người. Tôi thích những hình ảnh nông thôn miền núi hay ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ được miêu tả tinh tế và sống động trong những trang viết của chị như: “Tháng ba hoa gạo”, “Nổi chìm hương thị”, “Hương nhãn”, “Tiếng chẫu chuộc”, “Nơi gửi nỗi nhớ”…. 

Nếu ai đã hoặc đang sống xa quê hương, ở nước ngoài thì sẽ vô cùng xúc động khi đọc những trang viết này… Tôi thích chị kể về tấm lòng nhân hậu của bà mẹ chồng trong “Gai Sen” đã cảm thông với con dâu đã “trót lỡ” với một trai làng, khi chồng đi xa. Thích cô giáo Hậu vì thương người góa bụa, gà trống nuôi con mà tự tìm đến “vị thế” dì ghẻ (trong truyện “Dì ghẻ”), tác giả đã mô tả diễn biến tâm lý của người con gái ấy. Cũng như sự đấu tranh tư tưởng của cô Nhiên, thà chọn người tử tế, người có tình để kết gá cuộc đời còn hơn làm vợ người giàu có mà người đó chỉ coi mình như người giúp việc trong “Dốc cây gạo”. Đặc biệt trong “Chạy trốn”, câu chuyện về tệ nạn buôn bán người vùng biên giới đẩy số phận một cô gái vào tình cảnh vô cùng khủng khiếp, những tưởng khi chạy trốn được khỏi địa ngục trần gian thì cô gái ấy sẽ quay lại tìm cách trả thù, hoặc sẽ không bao giờ quay lại nữa, nhưng vì tình, vì nghĩa, vì sự tử tế vốn có từ trong sâu thẳm của con người mà cuối cùng “chạy trốn” lại đến được bến bờ của hạnh phúc…

Tất cả những người phụ nữ có số phận không may trong truyện ngắn Kim Nhũ qua ngòi bút của chị đều là người tốt như thế. Họ như thể sinh ra để mà tốt, chịu đựng, hy sinh, sống cho người, vì người mà sống chứ không cho mình, kiểu người đàn bà Việt.

Không chỉ nhận ra điều đó ở con người và viết về những điều đó với sự rung cảm sâu sắc, Kim Nhũ viết về tình cảm của con chó cũng rất hay trong "Con Hiếm".

Sự nhân ái trong văn chương Kim Nhũ - Ảnh 2.

Tác giả Kim Nhũ. (Ảnh: Tác giả bài viết cung cấp)

Với truyện ngắn Kim Nhũ viết bằng giọng văn chất chứa tình cảm bao nhiêu thì trong các tạp văn ở phần cuối sách chị viết bằng một giọng hài hước bấy nhiêu. Hấp dẫn ở chính sự hài hước đó. Ngòi bút của chị tả người nào ra người đó, như họa sĩ vẽ chân dung. Những câu chuyện ở bệnh viện cho ta mấy cái chân dung của các bà ở tuổi xưa nay hiếm như: Bà Lúng Liếng (nghĩa là bà đa tình), bà Chứng khoán, Bà Khổ, Bà Tiết kiệm… cái tên chính là cái nết là tính cách của mỗi bà. Không chỉ hài hước mua vui cho người đọc, mà thẳm sâu bên trong là bức tranh xã hội đương thời. Thấm thía lắm với “Osin trong bệnh viện”, đau lắm với “Bà Khổ” cô đơn đau ốm một mình, nhưng vẫn nghĩ đến con, chia hết tài sản cho con nhưng con không đoái hoài gì đến mẹ…

Trong tập này còn có những tản văn viết về tình bạn như “Người để lại một khoảng trống”, tình cha con “Bố chồng tôi”…

Như đã nói, Kim Nhũ không ồn ào trong việc viết lách, chị không viết để kiếm tìm một chỗ đứng trong văn đàn, chị viết bởi rung động của con tim và sự thôi thúc của lương tâm.

Nhưng, vì thế mà những trang viết thấm đẫm tình người, đáng để cho ta thưởng thức.

                                             

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem