Sự thật đằng sau "cơn sốt" học làm gốm: Vì sao giới trẻ "phải lòng" đất sét?

Trung Hiếu Chủ nhật, ngày 13/10/2024 11:20 AM (GMT+7)
Dịp cuối tuần, nhiều bạn trẻ Việt Nam và ngoại quốc lựa chọn các lớp học làm gốm để thư giãn sau một tuần làm việc. Các đồ vật mà học viên thường lựa chọn để làm từ gốm thường là cốc, bát, đĩa hay hộp đựng bút... để tặng làm quà lưu niệm.
Bình luận 0

Người trẻ ngoại quốc trải nghiệm làm gốm thủ công ngay tại trung tâm Hà Nội. Clip: Trung Hiếu.

Học làm gốm dịp cuối tuần: Khi người trẻ Việt Nam và nước ngoài đều say mê

9 giờ sáng một ngày cuối tuần, phóng viên Dân Việt  bước vào một lớp học dạy làm gốm tại quận Đống Đa, Hà Nội, học viên đã có mặt chật kín các chỗ ngồi. Không gian tĩnh lặng bỗng chốc trở nên huyên náo bởi tiếng lách cách của bàn xoay xen lẫn tiếng nói cười của người trong lớp. Chị Claire Stein (27 tuổi, người Pháp) đứng trước bàn xoay, vừa nghe hướng dẫn sơ lược về cách làm, chị vừa thử cầm nắm và điều khiển các công cụ để làm gốm.

Khi bàn xoay bắt đầu chuyển động, chị Stein chậm rãi dùng tay thử nhào đất sét. Chỉ sau vài nhịp, chị đã học được cách điều chỉnh khối đất không nghiêng ngả, giữ nó thăng bằng giữa tâm bàn xoay. “Tôi đến đây cùng với một người bạn. Hôm nay tôi mong muốn tự tay làm được một chiếc bát nhỏ cùng với hai chiếc đĩa có hình dáng bông hoa và chiếc lá. Trước đây, tôi đã từng tham gia học một lớp dạy làm gốm ở Thái Lan nên hôm nay tôi chỉ bỡ ngỡ một chút lúc bắt đầu, sau đó tôi có thể bắt nhịp ngay với cách làm đúng”, chị nói.

Sự thật đằng sau cơn sốt học làm gốm: Vì sao giới trẻ "phải lòng" đất sét? - Ảnh 1.

Chị Stein chụp ảnh kỷ niệm với sản phẩm đĩa hình chiếc lá làm từ gốm. Ảnh: Trung Hiếu.

Chị Stein dành hết sự tập trung trong quá trình nặn gốm để tạo nên sản phẩm mà chị mong đợi. Bàn tay của cô gái 27 tuổi và khối đất sét trên bàn xoay như cùng chuyển động theo một nhịp, tới khi sản phẩm đã gần thành hình, chị mới tiếp lời: “Tôi thích làm những sản phẩm thủ công. Công việc thường ngày của tôi phải suy nghĩ rất nhiều và ngồi trước máy tính thường xuyên nên khá áp lực. Hoạt động làm các sản phẩm từ gốm giúp tôi cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn rất nhiều”.

Lần đầu tiên thử đi làm gốm, chị Nguyễn Thu Hằng (26 tuổi, Cầu Giấy) chia sẻ, hoạt động này thú vị hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu của chị. “Mình thích hầu hết các công đoạn trong quá trình làm gốm. Vừa làm, mình vừa có thể nói chuyện với những người bạn, tâm sự về các câu chuyện xảy ra trong tuần. Do đó, mình thấy đây là hoạt động trải nghiệm khá phù hợp cho những nhóm bạn, gia đình hoặc các cặp đôi”, chị tâm sự.

Đôi lúc khối đất sét trơn trượt, lạc mất hình dáng mong muốn, cô gái 26 tuổi vẫn kiên quyết không bỏ cuộc. Bằng giọng đầy quyết tâm, chị nói: “Theo mình, công đoạn khó nhất là bước chuẩn bị đất sét, yêu cầu lực nhào đất khá mạnh và tốn khá nhiều thời gian. Điều này đòi hỏi người làm gốm buộc phải có tính kiên nhẫn. Tuy nhiên, các bạn làm được thì mình cũng sẽ cố gắng làm được”.

Sự thật đằng sau cơn sốt học làm gốm: Vì sao giới trẻ "phải lòng" đất sét? - Ảnh 2.

Chị Hà (ngoài cùng bên trái) và chị Hằng (thứ hai từ phải sang) đang tập trung nghe hướng dẫn cách nhào đất. Ảnh: Trung Hiếu.

Phấn khởi khoe với bạn bè thành phẩm gần hoàn thiện là một chiếc cốc nặn từ gốm, chuẩn bị được đưa vào tráng men, chị Nguyễn Ngọc Hà (26 tuổi, Tây Hồ) không giấu nổi sự hạnh phúc trong ánh mắt: “Sau khi học làm gốm xong, quan sát sản phẩm được chính tay mình tâm huyết làm nên, tôi rất thích thú. Bố tôi khá thích các loại thức uống nóng nên tôi sẽ tặng chiếc cốc giữ nhiệt làm từ gốm này cho ông”.

Chị Hà vừa nở nụ cười vừa nói: “Tôi rất thích các công việc liên quan đến nghệ thuật và cần nhiều sự tập trung. Trải nghiệm làm gốm hôm nay đã giúp tôi học hỏi thêm một kỹ năng thú vị nữa. Chắc chắn tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè thử dành thời gian để tham gia lớp học làm gốm. Thực tế, gốm không chỉ là nghệ thuật tạo hình mà còn là một cách để con người lắng nghe, chậm rãi và cảm nhận mọi thứ xung quanh và bên trong chính mình”.

Lớp dạy làm gốm tại Hà Nội: Mỗi ca 3 tiếng, chật kín học viên

Chị Ngô Thu Hương - người đồng sáng lập một đơn vị tổ chức lớp dạy làm gốm tại quận Đống Đa cho biết: “Lớp của mình chỉ mở vào cuối tuần. Thời lượng một ca học là 3 tiếng. Số lượng học viên tối đa cho mỗi ca học là 8 người, gồm có ca sáng và ca chiều của hai ngày cuối tuần. Mức chi phí tối thiểu của mỗi ca học là 550.000 đồng/người (đã bao gồm chi phí nguyên vật liệu và nung đốt)”.

Theo chị Hương, với 3 tiếng tham gia lớp học, các học viên sẽ có thể nặn ra thành phẩm từ gốm. “Lớp học đã quyết định tạo ra một cái bảng mẫu các sản phẩm để mọi người dễ dàng lựa chọn. Sau khi nặn xong, học viên sẽ chọn men để xưởng bên mình làm men và nung cho các bạn ấy. Hai tuần sau, khi quá trình nung đốt đã hoàn thiện, bên mình sẽ gửi sản phẩm tới tay các bạn học viên”, chị Hương nói.

Sự thật đằng sau cơn sốt học làm gốm: Vì sao giới trẻ "phải lòng" đất sét? - Ảnh 3.

Các sản phẩm làm từ gốm do chính tay học viên thực hiện. Ảnh: Trung Hiếu.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, nữ quản lý của lớp học chia sẻ, các đồ vật mà học viên thường lựa chọn để làm từ gốm thường là cốc, bát, đĩa hay hộp đựng bút: “Dựa trên những mẫu có sẵn, học viên có thể phát huy khả năng sáng tạo của bản thân theo một cách nhất định. Ví dụ như là các bạn ấy có thể thay đổi hình dáng sẵn có của sản phẩm hay tự tạo thêm một số đặc tính trên sản phẩm mang dấu ấn cá nhân ở trong quá trình làm gốm”.

Chị Hương bày tỏ: “Thông qua hoạt động dạy làm gốm, mình muốn mọi người có cơ hội để hiểu hơn về cái giá trị văn hóa, thẩm mỹ của gốm Việt Nam, tìm hiểu về sự tương quan của gốm Việt Nam với các nước khác trong khu vực châu Á. Đồng thời, kích thích phần nào đó sự sáng tạo cho học viên và khiến mọi người hiểu được rằng, ai cũng có khả năng sáng tạo về gốm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem