Sự trì trệ khách quan

Thứ tư, ngày 21/05/2014 09:00 AM (GMT+7)
Thị trường tiêu thụ khó khăn. Giá cả bấp bênh. Giá nông sản liên tục giảm. Các yếu tố đầu vào không giảm cùng chiều.
Bình luận 0
Thương lái nước ngoài thu mua nông, lâm, thủy hải sản trái phép vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi gây thiệt hại cho đất nước và bản thân nông dân. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng được bán phổ biến, thiếu kiểm soát gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân...

Nông thôn mới thì triển khai vừa chậm, vừa nặng về đầu tư hạ tầng, có nơi chệch mục tiêu, không hề quan tâm tới việc thay đổi phương thức sản xuất, đổi mới ngành nghề sản xuất, kinh doanh giúp người nông dân có điều kiện làm giàu chính đáng, bền vững. Đã thế, ở không ít nơi, ở ngay chính những địa phương thu nhập bình quân còn thấp, người dân còn “được” huy động đóng góp rất cao.
(Ảnh minh hoạ, nguồn: Dân trí)
(Ảnh minh hoạ, nguồn: Dân trí)

Đây là những dòng trích từ thẩm tra tình hình KTXH và báo cáo kiến nghị cử tri vừa được công khai trong phiên khai mạc Quốc hội sáng qua. Và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Trần Văn Giàu cho rằng đây là “những dấu hiệu đáng lo ngại”.

Và nếu cần có thêm một con số để chứng minh thì là việc, trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng liên tục giảm, 2,37% rồi 2,24% và 1,91%.

Đáng lo ngại thực sự. Nông dân khó. Nông nghiệp suy thoái rõ ràng đang tác động tiêu cực đến sức mua chung của thị trường trong nước.

Năm nay, “tác động tiêu cực của kinh tế thế giới suy thoái” cũng vẫn được nêu ra như là nguyên nhân khách quan cho sự trì trệ, trong khi đó, thật khó để biết chính xác những nguyên nhân nội tại là gì.

Giữa năm ngoái, khi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được phê duyệt, những nguyên nhân của yếu kém đã được nhìn nhận, giải pháp cũng được đề ra.

Và sau 1 năm, kết quả là “Các giải pháp và hệ thống tiêu thụ nông sản phẩm chưa thật sự căn cơ, chưa tạo sự yên tâm cho người dân”, là “Giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, cao su, cá tra, cá ba sa sụt giảm, công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển quá chậm, chưa tận dụng và khai thác hết các cơ hội”.

Nhưng điều lo ngại nhất không phải là sự suy giảm của bệ đỡ tam nông. Điều đáng lo ngại nhất là sự dai dẳng của vấn đề khi sự trì trệ, tụt lùi của nông nghiệp được lặp đi lặp lại từ kỳ họp Quốc hội này sang đến kỳ họp khác, từ năm này qua năm khác. Và chưa biết 3 năm nữa liệu tình hình có lặp lại y chang như hôm nay.

Tái cơ cấu, vì thế, nên bắt đầu từ những việc đơn giản nhất: Bóng điện cho cây thanh long. Cửa khẩu đủ rộng cho quả dưa hấu. Một cái giá không quá rẻ mạt cho hạt gạo.
Đào Tuấn (Đào Tuấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem