Sửa Luật Thuế 71: Cả nông dân và doanh nghiệp hưởng lợi

Phi Long Thứ tư, ngày 04/11/2020 10:02 AM (GMT+7)
Từ khi triển khai đến nay, Luật Thuế 71/2014/QH13 đã có những tác động theo hướng gây bất lợi khi người nông dân phải mua phân bón với giá cao, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất trong nước và khiến Nhà nước thất thu thuế.
Bình luận 0

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật Thuế 71 sẽ đem lại "lợi kép" cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Phân bón tồn kho lớn

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành sản xuất của Việt Nam, trong đó có phân bón. Mặt khác, nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành cùng thuế nhập khẩu phân bón giảm nên lượng phân nhập tăng cao, thêm tác động của Luật Thuế số 71 khiến cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bị tồn kho lớn.

Ông Cao Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí cho biết: Hiện tại ở các nước khu vực Đông Nam Á, hầu hết thuế phân bón là 0%, Trung Quốc là 8% nhưng điều chỉnh linh hoạt, còn châu Âu thuế phân bón rất cao nhưng lại có hỗ trợ linh hoạt. 

Việc thuế giá trị gia tăng (GTGT) không được khấu trừ, từ đó dẫn tới doanh nghiệp Việt Nam không được cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu và người chịu thiệt cuối cùng chính là nông dân.

Sửa Luật thuế 71: Cả nông dân và doanh nghiệp hưởng lợi - Ảnh 1.

Sản xuất phân bón tại Đạm Phú Mỹ. Ảnh: P.L

Cũng theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với phân bón giúp tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước, thúc đẩy phát triển kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho lượng lớn người lao động.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau phân tích cụ thể hơn: Luật Thuế 71 được áp dụng từ năm 2015, trước đó doanh nghiệp phân bón phải chịu thuế GTVT 5%, tức là tất cả các chi phí đầu vào được liệt kê ra, nếu đầu vào cao hơn đầu ra thì doanh nghiệp phân bón được khấu trừ và hoàn thuế. 

Ví dụ, giá bán phân bón là 10 đồng thì doanh nghiệp phải có 1 đồng lợi nhuận và 2 đồng thuế, thì nông dân phải mua 12 đồng.

Đại diện Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đều cho rằng, do những "tác động kép" như trên nên các doanh nghiệp phân bón đang gặp nhiều khó khăn, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Theo ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Khoản 1, Điều 13 Luật số 71/2014 quy định, phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2015.

Do đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định) dùng cho sản xuất phân bón, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội với giá cao. 

Không ít nông dân đã chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn, còn một số doanh nghiệp sản xuất phân bón đã lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2015, khi thực hiện Luật Thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%... so với những năm trước đó khi còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. 

Nghịch lý này xuất hiện hoàn toàn ngược lại so kỳ vọng ban đầu của Chính phủ là giảm giá bán phân bón, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Cũng theo ông Hà, theo Luật Thuế 71, thuế GTGT lại giảm 5% đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu, qua đó phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá so với phân bón sản xuất trong nước.

Nhiều bộ ngành ủng hộ sửa

Theo Nghị quyết số 159/NQ-CP do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 28/10, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại Văn bản số 192/Ttr-BTC ngày 22/10/2020, trên cơ sở kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết nghị thông qua hồ sơ trình Quốc hội về dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón.

Sửa Luật thuế 71: Cả nông dân và doanh nghiệp hưởng lợi - Ảnh 3.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung Dự thảo Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trước đó, trả lời công văn của Bộ Tài chính về việc sửa đổi Luật Thuế 71 theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và nông dân, nhiều bộ ngành như: Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Bộ Tư pháp, T.Ư Hội NDVN… đã bày tỏ sự đồng tình. 

Tại Tờ trình lên Chính phủ ngày 1/10, Bộ Tài chính cho rằng, để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế GTGT đối với phân bón để hỗ trợ, phát triển ngành sản xuất phân bón.

Bộ Tài chính lý giải, nếu sửa đổi Luật Thuế 71, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua và hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. 

Việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% là áp dụng ở tất cả các khâu sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu.

Về tác động đối với người tiêu dùng, chủ yếu là nông dân, Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón giảm được 5% trên giá bán (khoảng 950 tỷ đồng/năm) cho người tiêu dùng. Do đó, giá phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và từ đó có thêm cơ hội hạ giá phân bón theo cơ chế thị trường.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem