Sữa ngoại tăng giá: Khó quản bằng mệnh lệnh

Thứ hai, ngày 13/09/2010 06:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “ Dù có bổ sung thêm Thông tư 112, cùng hàng loạt các thông tư trước đây hoặc có ra thêm hàng nghìn thông tư như thế này, cũng không bình ổn được giá sữa ngoại”.
Bình luận 0

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với NTNN.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 112, trong đó quy định tất cả các mặt hàng sữa bột nhập khẩu cho trẻ em dưới 6 tuổi phải đăng ký và kê khai giá với cơ quan quản lý giá. Đến 1-10 tới đây, Thông tư 112 mới có hiệu lực, nhưng hiện các doanh nghiệp đã tìm mọi cách để “lách” luật.

Cơ chế quản lý có vấn đề

Thưa ông, có thể nói giá sữa là vấn đề nhức nhối nhất đối với các cơ quan quản lý nhà nước

img
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

trong nhiều năm nay. Vậy, ông đánh giá như thế nào về việc, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112 để quản lý giá sữa?

- Cơ chế quản lý giá sữa của chúng ta hiện gặp rất nhiều vấn đề. Bởi, trong khi lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với sữa và các sản phẩm của sữa theo lộ trình đã cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phải đến năm 2012 mới có hiệu lực, thì đến nay chúng ta đã giảm thấp hơn cả mức cam kết với WTO.

Tuy nhiên, có một nghịch lý ở đây là, lợi ích từ việc giảm thuế đó người tiêu dùng lại không được hưởng, mà đã trực tiếp rơi vào túi của các nhà nhập khẩu, cụ thể như giá sữa chỉ có tăng, mà không giảm.Chính vì lý do đó, theo tôi, dù có bổ sung thêm Thông tư 112, cùng hàng loạt các thông tư trước đây hoặc có ra thêm hàng nghìn cái thông tư như thế này, cũng không bình ổn được giá sữa ngoại.

Thông tư 112 quy định: “Các mặt hàng sữa bột nhập khẩu cho trẻ em dưới 6 tuổi phải đăng ký kê khai với cơ quan quản lý về giá. Doanh nghiệp phải thực hiện việc đăng ký giá sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Việc đăng ký giá bán được thực hiện trước khi các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh bán mặt hàng này ra thị trường lần đầu và trước mỗi đợt điều chỉnh giá bán”.

Lý do, các thông tư được ban hành, chỉ mang tính áp đặt hành chính, còn quy luật của kinh tế thị trường là thuận mua vừa bán, trong khi chúng ta lại đi quy định giá trần, giá sàn là trái với quy luật đó. Mặt khác, theo Thông tư 112 của Bộ Tài chính, bắt doanh nghiệp kê khai cơ cấu giá thành sản phẩm là sai với Luật Doanh nghiệp, vì ngay trong luật này có quy định bảo hộ cho doanh nghiệp được quyền giữ kín bí mật kinh doanh.

Nếu Thông tư 112 cũng như các thông tư khác, không đủ “sức” để quản lý giá sữa, theo ông cần quản lý giá sữa theo hướng nào?

- Điều hiển nhiên là phải có sự can thiệp của nhà nước, nhưng can thiệp bằng cách nào mới là quan trọng. Tôi cho rằng, nhà nước cần đầu tư vào nghiên cứu thị trường về cơ cấu giá thành, thông số dinh dưỡng… của nhà sản xuất, sau đó thông tin lại cho người tiêu dùng. Đây là một bước cực kỳ quan trọng để tiến tới bình ổn giá sữa.

Như chúng ta đều biết, cách đây không lâu, Bộ Công Thương cùng UBND TP. Hồ Chí Minh và một số bộ, ngành đã có cuộc nghiên cứu về giá sữa và đã nêu ra một trong những nguyên nhân khiến giá sữa ngoại tăng, là do các hãng sữa chi quá nhiều tiền cho quảng cáo, làm người tiêu dùng ngộ nhận. Tuy nhiên, những việc thế này cần được làm thường xuyên mới có tác dụng. Chứ làm kiểu đánh trống bỏ dùi, sẽ không đi đến đâu.

Việt Nam không có sữa tươi nhập khẩu

Nếu nguyên nhân đẩy giá sữa ngoại tăng là do… quảng cáo, liệu chúng ta có cần phải đưa ra cả các biện pháp để quản lý việc quảng cáo sữa?

- Có một thực tế được phổ biến hầu hết trong các mục quảng cáo sữa hiện nay đều khẳng định cho trẻ em ăn sữa có DHA và nhiều khoáng chất khác là tốt nhất, điều đó đã tạo cho người mua hy vọng là bỏ chút tiền ra thì có lợi cho tương lai.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 3 năm qua, thị trường sữa bột tại Việt Nam đã tăng giá tới 16 lần. Kể từ ngày 1-9 vừa qua, đã có nhiều hãng sữa bắt đầu tăng giá lên 10%.

Đối với mỗi sản phẩm, điều đầu tiên nói đến quyền lợi người tiêu dùng không phải là giá mà là chất lượng. Người tiêu dùng bao giờ cũng thích sữa tươi, vì thế tất cả các hãng đều quảng cáo là 100% sữa tươi, chứ không quảng cáo là sữa bột. Song trên thực tế, hiện nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 28% sữa tươi, còn 72% là sữa bột nhập khẩu.

Nói như thế để thấy rằng, không thể có hoàn toàn là sữa tươi nếu trong nước không sản xuất. Sữa tươi sau khi vắt ra phải bảo quản ở nhiệt độ từ 3-40C và trong vòng 2 ngày phải chế biến. Nếu vận chuyển trên biển mất 1 tuần, còn chở bằng máy bay thì mỗi kg sữa tươi đội giá lên cao, khoảng 5 USD (khoảng gần 80.000 đồng/lít). Trong khi đó, mỗi lít sữa tươi ở Việt Nam được bán với giá 7.000 đồng. Như vậy, có thể khẳng định, ở Việt Nam không có sữa tươi nhập khẩu.

img
Tâm lý sính ngoại là một trong những nguyên nhân làm giá sữa tăng cao.

Một nghịch lý rất nhức nhối hiện nay là trong khi giá sữa nguyên liệu đang ổn định và có chiều hướng giảm thì giá sữa trong nước vẫn… tăng. Theo ông, có vấn đề là các hãng sữa ngoại đang “bắt tay” nhau để nâng giá?

- Chuyện các hãng sữa ngoại họ có “bắt tay” nhau hay không, trước mắt chúng ta chưa thể khẳng định. Theo phân tích của chúng tôi, trên thị trường phân phối, kinh doanh sữa hiện nay, chưa có đơn vị nào thống lĩnh, độc quyền. Hiện nếu tính tổng doanh số toàn bộ các sản phẩm, thì Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chiếm thị phần lớn nhất với khoảng 30%.

Còn nếu tính từng sản phẩm đơn lẻ, không có nhãn hàng nào chiếm quá 20% thị phần. Vậy ở đây, không thể đổ lỗi cho sự độc quyền để làm giá. Trong trường hợp có chuyện “đi đêm” của các doanh nghiệp nhập khẩu sữa ngoại với nhau, thì các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải vào cuộc điều tra, làm rõ và quy rõ trách nhiệm đó thuộc về ai.

Tăng giá trước để “lách” thông tư

Ngay từ thời điểm này, tức còn chưa đầy 20 ngày nữa, Thông tư 112 sẽ chính thức có hiệu lực, song nhiều hãng sữa ngoại đã bắt đầu tăng giá thêm từ 10% trở lên, phải chăng các doanh nghiệp đã “chạy” giá trước thông tư như một chiêu quen thuộc để “đối phó” với 112?

- Hiện tại, năng lực sản xuất nguyên liệu sữa trong nước mới chỉ đủ đáp ứng 30% nhu cầu nội địa, còn lại là phải nhập khẩu. Nắm bắt được thực trạng này, một số sản phẩm sữa đã bắt đầu tăng giá 10% kể từ ngày 1-9. Theo tôi, có thể các doanh nghiệp sản xuất và chế biến sữa đã ý thức được rằng, khi Thông tư 112 có hiệu lực, sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến hiệu quả kinh doanh của họ.

Do đó, họ nâng giá lên với đủ các lý do, nào là tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí cho thay đổi mẫu mã sản phẩm… Ngoài ra, trong các sản phẩm tăng giá, chủ yếu lại rơi vào một số thương hiệu sữa ngoại nổi tiếng. Người tiêu dùng thì mập mờ về thông tin nên việc tăng giá của các doanh nghiệp không gặp trở ngại lớn.

Như vậy, có thể nói giá sữa ở nước ta hiện nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào… bên ngoài, tức việc tăng giá hay không là do các hãng sữa ngoại quyết định. Vậy, Thông tư 112 có ý nghĩa như thế nào?

- Theo tôi, các hãng sữa ngoại hiện không thách thức người tiêu dùng. Song lý do mà họ có thể khống chế, chủ động nâng giá là do trên thị trường sữa không có ai cạnh tranh, nên người tiêu dùng chỉ còn cách đổ xô đi mua hàng của họ.

Đặc biệt, có một thực tế hiện nay là, người tiêu dùng Việt Nam rất chuộng, thích sữa ngoại, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sữa ngoại tăng giá. Thực tế, có những hãng sữa ở Việt Nam đã có mấy chục năm kinh nghiệm, chính họ hỗ trợ cho ngành bò sữa trong nước phát triển. Họ có công nghệ tiên tiến cho nên chất lượng sữa không kém nhập ngoại. Nhưng khi sản phẩm sữa đó mang một cái tên mộc mạc Việt Nam như Ba Vì, Mộc Châu… giá có khi chỉ là là 130.000 đồng/900gr.

Trong khi, cũng với sản phẩm này, thành phần tương tự, được đóng gói bao bì đẹp hơn, mang một cái tên nước ngoài, thì giá có thể được đẩy lên đến 320.000 đồng/900g, tức gấp khoảng 2,5 lần so với sữa nội.

Xin cảm ơn ông!

5 vị đại sứ đề nghị hoãn thi hành thông tư quản lý giá.

 

Đại sứ các nước: Hoa Kỳ, Australia, Canada, New Zealand, Liên minh châu Âu tại Việt Nam vừa gửi một bức thư cho Bộ trưởng Tài chính đề nghị hoãn thực thi Thông tư quản lý giá số 112 do bộ này mới ban hành. Đại sứ các nước nói trên cho cho rằng, việc thực thi cơ chế giá mới theo dự thảo thông tư (nay vẫn được giữ nguyên) khiến Việt Nam đi chệch khỏi định hướng cơ chế thị trường, làm gia tăng quan ngại về sự tuân thủ các cam kết WTO của Việt Nam. Theo các vị đại sứ này, thông tư mới của Bộ Tài chính sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư mới và ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, làm gia tăng gánh nặng về hành chính và chi phí cho các công ty (nước ngoài) ở Việt Nam. Bức thư chung còn nêu quan điểm cho rằng, nếu Bộ Tài chính ban hành thông tư với mục đích chống lạm phát thì để đạt mục tiêu chống lạm phát cần thực hiện các giải pháp khác. PV

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem