Sửa Thông tư 36: Sao phải tạo những liệu pháp sốc?

Trần Giang Thứ hai, ngày 30/05/2016 06:30 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng việc ban hành Thông tư 06 sửa đổi một số nội dung của Thông tư 36/2014/TT-NHNN là việc mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải làm.
Bình luận 0

“Đó là phát ra tín hiệu về việc không nên sử dụng quá liều lượng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, siết lại hoạt động cho vay bất động sản và hạn chế những rủi ro đối với an toàn của hệ thống. Tất cả mọi chính sách đó có chiều sâu và cũng có sự đánh đổi”, ông Phước cho biết.

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Theo ông Phước, ngày 20.11.2014, NHNN ban hành Thông tư 36, theo đó tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được điều chỉnh tăng từ 40% lên 60%. Việc ban hành Thông tư 36 vào thời điểm đó có rất nhiều chủ đích, yêu cầu.

“Chủ đích đó nằm trong bối cảnh, giai đoạn rất cụ thể của một quá trình. Chúng ta đang muốn hỗ trợ cho dòng vốn trung và dài hạn đi nhiều hơn, nhanh hơn vào nền kinh tế để phục hồi lại một phần của thị trường bất động sản”, ông Phước phân tích.

Ngoài ra, chúng ta cũng mong muốn có một phần nào đó hỗ trợ cho ngân sách bằng cách tạo điều kiện cho ngân hàng sử dụng vốn để mua trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, NHNN cũng muốn nới lỏng các điều kiện cho các TCTD để các các TCTD nhà nước như BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank có thể sử dụng vốn huy động ngắn hạn để mua trái phiếu với tỷ lệ cao hơn. Các TCTD nước ngoài được mua trái phiếu.

“Đây cũng là một giải pháp cần thiết để giải quyết bài toán ngân sách vì chúng ta cũng cần có tiền thông qua trái phiếu. Bởi ngân sách thời điểm đó cũng khó khăn và bội chi ngân sách tăng cao”, ông Phước phân tích.

Tại sao NHNN lại muốn siết lại tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn thời điểm này. Phải chăng sứ mệnh của Thông tư 36 đã hoàn thành? Nếu vậy, tại sao NHNN không đưa tỷ lệ này xuống 40% như điểm xuất phát thay vì đưa ra một lộ trình thực hiện dài như vậy?

Tại sao làm chính sách lại phải tạo ra những liệu pháp sốc như thế? Hiện nay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của hệ thống ngân hàng vẫn chưa tới 40% cơ mà, đã tới 60% đâu mà lo. Nếu kéo ngay xuống 40% sẽ phát ra tín hiệu sai lệch trên thị trường, gieo vào lòng thị trường những bất ổn.

Nếu tỷ lệ đó đã kịch trần là 60% thì NHNN phải kéo xuống ngay nếu không sẽ bùng phát những rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Ví như nếu nhà đã cháy thì phải dùng nước để dập lửa ngay để tránh lan rộng. Nhưng thực tế nhà chưa cháy và tỷ lệ an sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn mới chỉ ở mức dưới 40%. Nghĩa là bản chất rủi ro trong vấn đề đó chưa phải là lớn. Thực tế, tỷ lệ 50%, 60% khác với tỷ lệ 38%, 40%.

Nếu thấy có rủi ro, NHNN sẽ phải phát ra tín hiệu là không nên sử dụng quá liệu lượng. Vì thế, mức điều chỉnh của cảnh báo cũng sẽ phải thực hiện từng bước nhỏ.

Có ý kiến lại cho rằng việc NHNN đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn như vậy khiến cho “hình hài” nợ xấu khó có thể minh bạch được?

Như tôi đã nói, việc đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lên 60% thời điểm đó là có rất nhiều yêu cầu như hỗ trợ cho thị trường phát triển bất động sản, doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay trung và dài hạn để đổi mới công nghệ và có một phần hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu theo Quyết định 780. Nhưng quá trình đó đã kết thúc từ 31.3.2015.

Chuyện Thông tư 36 với những điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng tác động đến hệ số an toàn vốn tối thiếu (CAR). Hệ số CAR được tính dựa trên tổng vốn điều lệ, vốn tự có của NHTM trên tổng tài sản có rủi ro. Nếu hệ số CAR thấp xuống, các ngân hàng sẽ cân nhắc đầu tư vào từng khoản mục của tín dụng.

Đây có phải là lý do NHNN “nhẹ tay” trong việc siết lại tín dụng bất động sản khi chỉ điều chỉnh hệ số rủi ro từ 150% lên 200%?

Tín dụng bất động sản năm 2015 tăng khoảng 27% là có nhiều phân khúc như cho vay dự án hoàn chỉnh, dự án dở dang, khách hàng cá nhân mua căn hộ hoàn chỉnh, cho vay tiêu dùng nhưng hạch toán cho vay bất động sản. Rõ ràng, không phải hoàn toàn tín dụng đổ vào dự án mới để tạo nên bong bóng bất động sản.

Hơn nữa, bất cứ chính sách nào cũng phải luôn luôn xem xét điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế. Việc điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản là thăm dò phản ứng thị trường sao cho việc ban hành chính sách cho phù hợp.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem