Sức bật từ cơ giới hóa

Thứ sáu, ngày 06/09/2013 09:39 AM (GMT+7)
Không gần trung tâm huyện, điều kiện phát triển thương mại dịch vụ hạn chế…, xã Tân Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội) đã lấy lợi thế sản xuất nông nghiệp tạo đà cho việc nâng cao đời sống người dân, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng NTM.
Bình luận 0
“Tấm áo mới” trên những cánh đồng

Con đường dẫn chúng tôi đến xã Tân Hưng, một trong 7 xã có đông hộ nghèo ở huyện Sóc Sơn giờ không còn mấp mô, lầy lội như trước, bởi hơn 10km đường giao thông huyết mạch bám dọc theo triền đê hữu ngạn sông Cầu nối Tân Hưng với trung tâm huyện đã được bê tông hóa rộng rãi, phẳng lỳ. Trò chuyện với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Nghi - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng cho biết, toàn xã có gần 500ha đất canh tác, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 19,1 triệu đồng/người/năm.

“Chỉ trong 2 năm 2010 - 2012, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương trong xã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa. Giờ đây đồng ruộng đã được quy hoạch bài bản, tạo điều kiện để đưa máy móc vào ruộng thuận lợi” - ông Nghi cho biết.

Cơ giới hóa ở xã Tân Hưng đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Cơ giới hóa ở xã Tân Hưng đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, toàn xã Tân Hưng có 3 máy gặt đập liên hoàn, 50 máy làm đất công suất từ 15 mã lực trở lên và hàng chục máy làm đất gia đình, đáp ứng 100% việc làm đất. Thực tế cho thấy, ở Tân Hưng đã và đang hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, đơn cử như từ năm 2012 đến nay, xã đã đưa vào sản xuất 300ha lúa hàng hóa chất lượng cao; trong đó vụ đông xuân chủ lực là trồng lúa thơm, vụ mùa là nếp cái hoa vàng, vụ nào cũng cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 25 - 30% so với canh tác lúa truyền thống.

Xây dựng NTM từ khó khăn

Theo ông Nghi, TP. Hà Nội cần có chính sách khuyến khích xây dựng HTX nông nghiệp để các HTX làm tốt công tác dịch vụ phục vụ sản xuất, cũng như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn.


Nhờ hoàn thành tốt công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch hệ thống thủy lợi nội đồng nên Tân Hưng đã chủ động được việc tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa đồng chiêm trũng cấy 1 vụ bấp bênh trước đây, nay chuyển sang cấy 2 vụ chắc ăn. Ông Lê Thiết Cương- Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội cho biết, dù xuất phát điểm là một xã thuần nông nhưng nhờ những thay đổi tư duy từ cấp ủy, chính quyền đến người dân, đặc biệt là trong phát triển sản xuất hàng hóa tập trung gắn chặt với cơ giới hóa nên xã Tân Hưng đã tạo sức bật mới trong xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2012 chỉ còn 7%, giảm 18% so với năm 2008.

Theo ông Nguyễn Văn Nghi - Bí thư Đảng ủy xã, năm 2010 Tân Hưng mới đạt 5/19 tiêu chí thì hết năm nay, xã phấn đấu cơ bản đạt 12/19 tiêu chí.
Hữu Thông (Hữu Thông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem