Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31 của Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự Nga Vasili Kashin nhận định trên Sputnik: “Lực lượng vũ trang Trung Quốc có quy mô lớn nhất thế giới, tạo ra lợi thế lớn so với các quốc gia khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cũng như đối với lực lượng Mỹ đóng tại khu vực”.
Mặc dù vẫn còn thua kém Mỹ và Nga về công nghệ quân sự, Trung Quốc trong những năm qua đã cố gắng chế tạo các loại khí tài quân sự mới để đuổi kịp với Nga và phương Tây. Một số trang thiết bị vũ khí đã có thể sánh ngang với phương Tây.
“Trung Quốc đã chế tạo các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư trang hệ thống rađa hiện đại, tên lửa không đối không, và các hệ thống phòng thủ tên lửa lợi hại”.
Chuyên gia Nga chỉ ra pháo PLZ-05 155mm và hệ thống tên lửa phóng loạt A100 của Trung Quốc được nhiều nước trên thế giới tin dùng, bỏ qua đối tác phương Tây.
Trung Quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung, đồng thời có thể sẽ là quốc gia đầu tiên chế tạo tên lửa có khả năng bắn rơi vệ tinh do thám của đối phương, vốn hoạt động ở độ cao trên 40.000 km.
Binh sĩ Trung Quốc trong một buổi diễn tập.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang phát triển loại nhiên liệu lỏng và rắn cho các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Các tên lửa này là mối đe dọa đáng gờm bởi khả năng tấn công nhiều mục tiêu đồng thời bằng đầu đạn hạt nhân.
Một số tài liệu của cơ quan tình báo Mỹ cho biết, Trung Quốc đã đưa các tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa tầm xa vào hoạt động.
“Trung Quốc cho đến nay từ chối thảo luận về việc giới hạn vũ khí hạt nhân vì cho rằng nước này vẫn xếp sau những cường quốc hạt nhân lớn”, ông Vasily Kashin nhận định.
Đồng thời, Trung Quốc đang xây dựng lực lượng hải quân quy mô lớn để nhằm mục đích chính trị và quân sự tại Châu Phi và Trung Đông trong khi vẫn đóng thêm tàu sân bay nội địa mới.
“Tóm lại, Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng vũ trang quy mô lớn, ngang tầm siêu cường và có thể can thiệp vào tình hình địa chính trị bên ngoài khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, ông Kashin kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.