Đâu có chuyện là có chủ tịch
Dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến, anh Bằng vẫn còn mải việc ở dưới thôn. Chẳng có việc gì lớn, số là mới xong vụ lúa nên anh Bằng muốn xuống tận nơi xem mùa màng của bà con thế nào. “Có thể có người cho đó là "chuyện nhỏ", nhưng thực tế thì những chuyện nhỏ ấy lại rất quan trọng. Mình có đến mới biết bà con đang sống ra sao để có những quyết sách phù hợp. Với lại không đến tận nơi thì nói không ai nghe" - anh Bằng cười và giải thích.
|
Chủ tịch xã Bùi Văn Bằng thăm hỏi người dân trong xã. |
Dẫn chúng tôi đi thăm nhiều nhà dân trong xã, thấy anh hỏi han cặn kẽ chuyện con cái, chuyện mùa màng... của mỗi nhà. Đến đâu cũng thấy người dân niềm nở mời Chủ tịch ở lại ăn cơm, nói chuyện... Bà Y Mren (70 tuổi), ở thôn Kon Brông cứ lập cập lôi anh Bằng vào nhà: "Ở với già ăn chén cơm. Già có cái cơm cũng nhờ mày nhiều lắm đấy. Mày không ở lại tao chẳng nói chuyện với mày nữa...".
Mới 30 tuổi, là cử nhân tin học, từng là cán bộ văn phòng huyện, theo sự phân công của cấp uỷ, Bùi Văn Bằng vào Ngọc Wang làm Chủ tịch xã. Để chuẩn bị cho công việc mới, anh đã học thêm đại học kinh tế... Hỏi về thành tích, anh chỉ cười: “Mình đã làm được gì đâu”. Nhưng nhìn vào cách bà con ở đón tiếp anh và những đổi thay ở đây, chúng tôi cũng hiểu được phần nào những đóng góp của anh.
Về xã mới chừng 2 năm, nhưng hỏi chuyện gì ở Ngọc Wang, anh Bằng cũng tường tận. Cũng phải thôi, vì tính thời gian anh ở với vợ con, dành cho gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người dân trong xã cho biết: Hất kể ngày đêm, hễ nơi nào “có chuyện” là lập tức chủ tịch xã có mặt. Vì vậy, chuyện lớn, chuyện nhỏ gì trong thôn, xã cũng được giải quyết một cách thoả đáng. Chính vì tin, yêu anh chủ tịch xã mà chuyện gì anh nói, bà con cũng nghe theo, hưởng ứng.
Nhiều chuyện lạ, chuyện mới
Nhớ hồi anh mới về xã, bà con chỉ trồng lúa một vụ, còn việc được mất là do... trời. Còn bây giờ một công trình thủy lợi đã được xây dựng để cấp nước cho bà con làm 2 vụ lúa và giải hạn cho hàng chục ha cà phê. Công lớn là của dân, nhưng để họ tự nguyện bỏ sức ra làm là "kỳ tích" của Chủ tịch xã Bùi Văn Bằng. Cũng mấy năm trước, cây cao su còn rất xa lạ với đồng bào thiểu số nơi đây. Nhưng giờ thì cả xã Ngọc Wang đã có trên 300ha cao su và chỉ dăm ba năm nữa, loại cây này sẽ giúp đồng bào làm giàu.
Chính vì tin, yêu anh chủ tịch xã mà chuyện gì anh nói, bà con cũng nghe theo, hưởng ứng.
Làm sao để đồng bào chịu thay đổi "cách nghĩ" đã ăn sâu trong máu thịt, bà con sẵn sang bỏ tiền để trồng cái cây không quả, không củ và chẳng ăn được phần nào... Điều đó không đơn giản. Vậy mà anh Bằng làm được. Từ năm 2010 đến nay, xã Ngọc Wang không còn người đói giáp hạt, không còn tình trạng bán sản phẩm non. “Ngân hàng lương thực” được thành lập ở 8/8 thôn đồng bào dân tộc thiểu số trong xã. Hết gạo, bà con đến “ngân hàng” vay thóc và chỉ phải trả lãi suất rất thấp.
Sau 2 năm, từ một xã có đường đi lại vô cùng khó khăn, giờ đường liên thôn của xã (trừ đường thôn 8 sang thôn 9) đều đã được trải nhựa. Nếu ngày trước cứ vào mùa mưa, hàng trăm ha đất sản xuất và hàng trăm người dân bị cô lập, thì giờ đây điều này không còn xảy ra nữa. Từ một xã đang thụ hưởng Chương trình 135, với tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, nay bà con dân tộc thiểu số ở Ngọc Wang đã tự đứng lên và làm giàu bằng sự nỗ lực của mình.
Duy Hậu - Nguyễn Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.