Sùng đất xuất hiện lúc nhúc, cắn phá vườn tiêu chết hàng loạt

Thứ bảy, ngày 30/09/2017 13:20 PM (GMT+7)
Nông dân trồng tiêu ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đang rất lo lắng vì nạn sùng đất (hay còn gọi là sâu đất - to như ngón tay út, màu trắng có 2 răng rất sắc) cắn phá khiến những gốc cây tiêu bị khô héo, thậm chí chết hàng loạt...
Bình luận 0

img

Mỗi gốc tiêu tìm thấy gần chục con sùng đất gây hại.

Sùng đất xuất hiện dày đặc

Chúng tôi đến xã Hưng Lộc, nơi có những vườn tiêu sạch (trồng theo quy trình VietGAP) đang vào thời điểm phát triển đẹp và “sung” nhất. Ấy vậy mà, mấy tháng gần đây tại những vườn tiêu này xuất hiện nạn sùng đất ngày đêm cắn phá khiến hàng loạt gốc tiêu khô héo rồi chết rất nhanh.

Ghé vào vườn tiêu của gia đình anh Võ Văn Thành (ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc), được xem là vườn tiêu mẫu đẹp nhất tỉnh Đồng Nai, chúng tôi chứng kiến vườn đang bị nạn sùng tấn công dữ dội.

Anh Thành dẫn chúng tôi ra vườn tiêu. Chọn một gốc tiêu vàng lá giữa vườn, anh vơ bụi cỏ lạc dại nhấc lên, gốc trơ trụi chẳng còn cọng rễ nào. Anh thở dài ngao ngán: “Kể cả đám cỏ cũng bị sùng xơi sạch cả chùm rễ rồi”. Anh vung cuốc bập xuống gần gốc tiêu, vừa nhấc lên lập tức chúng tôi chứng kiến có đến gần chục con sùng to như ngón tay út đang ngoe nguẩy trong đám đất tơi xốp. Tiếp tục cuốc xung quanh những gốc tiêu khác thấy lổn nhổn những con sùng béo múp, cuộn tròn trong đất.

img

Nông dân trồng tiêu chật vật "trị" sùng đất. 

Anh Thành lo lắng: “Chưa bao giờ tôi thấy sùng đất xuất hiện với mật độ dày đặc thế này, chúng gặm cụt hết cả gốc rễ thì làm sao cây gì sống nổi".

Vườn tiêu của gia đình anh Thành có diện tích 2ha, với khoảng 1.700 gốc (trong đó 800 gốc tiêu đã 20 năm tuổi, 900 gốc mới trồng), chủ yếu là giống Vĩnh Linh và được đầu tư chăm sóc theo quy trình VietGAP chỉ sử dụng phân thuốc hữu cơ vi sinh. Nhiều năm qua vườn tiêu phát triển rất tươi tốt, sạch bệnh, cho năng suất cao, được huyện, tỉnh đánh giá là mô hình mẫu.

“Đến khi thấy nhiều gốc tiêu trong vườn bị vàng lá, đổ đốt, héo chết rất nhanh, tôi tưởng tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm như thường thấy, ai dè khi cuốc đất ngay gốc tiêu lên thì phát hiện có nhiều con sùng như vậy”, anh nói. 

img

Khu vườn tiêu nhà anh Thành đang bị nạn sùng đất cắn phá dữ dội.

Không còn cách nào khác, anh Thành buộc phải sử dụng thuốc hóa học Furadan để rải xuống những gốc tiêu trong vườn và đốn bỏ những gốc tiêu bệnh đã chết. Hiện anh đang tích cực chăm sóc vườn tiêu và tìm mọi cách xử lý, kể cả việc hàng ngày cuốc đất khắp vườn tìm bắt sùng cứu tiêu. Tuy nhiên, anh lo lắng khi đây chỉ là giải pháp tình thế, có thể sẽ làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây tiêu.

Nhà vườn hoang mang

Theo xác nhận của ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc HTX ca cao Thống Nhất, vườn tiêu của gia đình anh Thành là mô hình tiêu biểu ở địa phương. Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện đối tượng sùng đất cắn phá rễ cây tiêu khiến các loại nấm bệnh tấn công dữ dội dẫn đến tiêu chết hàng loạt.

img

Chủ vườn tiêu lo lắng khi hàng loạt gốc tiêu đang bị nạn sùng gây hại chết.

Ông Phước cho biết, trước đây cũng vì sùng đất gây hại phổ biến trên nhiều diện tích cây đậu nành khiến địa phương phải bỏ để chuyển đổi sang canh tác cây trồng khác. Thực tế tình trạng này không chỉ xuất hiện trên vườn tiêu của nhà anh Thành mà một số vườn tiêu khác ở Hưng Lộc cũng có biểu hiện sùng đất gây hại. Do vậy, rất mong các nhà khoa học, các ngành chức năng sớm tìm ra các giải pháp để giúp bà con phòng trừ.

Anh Nguyễn Quốc Huy, ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, bày tỏ lo lắng: Vườn tiêu của gia đình có 500 gốc (khoảng 12 năm tuổi) đang có biểu hiện vàng lá héo khô và cây chết, nhưng có thể do bệnh chết nhanh chết chậm. Tuy nhiên, lần đầu tiên trên cây tiêu xuất hiện đối tượng sùng gây hại càng khiến nhà vườn hoang mang.

img

Có rất nhiều con sùng đất trong vườn tiêu đang gây hại.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Mỹ, Trưởng trạm BVTV huyện Thống Nhất, cho biết: “Chúng tôi cũng vừa nhận được thông tin có hiện tượng sùng gây hại trên vườn tiêu với mật số nhiều. Thông tin báo cũng khá bất ngờ vì từ trước đến nay đối tượng này chỉ xuất hiện cục bộ trên đất vườn nhưng mật số không cao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiểm tra thực tế để tìm nguyên nhân để có biện pháp xử lý”.

Nhận định ban đầu của ông Mỹ, đây là vườn điểm trong huyện, tỉnh, nhưng có thể do nhà vườn chủ quan trong việc phòng trừ sâu bệnh hại nên để xảy ra hiện tượng sùng gây hại như thế.

Minh Sáng - Cáp Xuân Huy (NNVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem