Cá tính dị thường của mỹ nữ đẹp nhất xứ Mường
Ghé thăm xóm Cọi, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, Hòa Bình vào một sáng chớm đông se lạnh. Chúng tôi tìm đến nơi ở của hoa hậu Đinh Thị Nụ. Trái với hình dung một gia tộc bề thế, ngôi nhà cấp bốn có vẻ mộc mạc và khiêm nhường, chon von trên một đỉnh dốc thẳng đứng. Đàn gà đi lại tha thẩn quanh sân. Tuy bà Nụ đã mất hơn 6 năm, nhưng những giai thoại về bà người ta vẫn thuộc làu làu...
Trong những năm đặt ách thống trị ở thủ phủ xứ Mường mà trung tâm là Hòa Bình ngày nay, thực dân Pháp đã tổ chức 2 cuộc thi sắc đẹp có tên "Hoa hậu xứ Mường". Cuộc thi đầu tiên được tổ chức năm 1932. Nhưng dấu ấn đáng kể phải nhắc đến cuộc thi thứ hai sau đó 10 năm, vào năm 1942. Đây là cuộc thi có quy mô chuyên nghiệp hơn hẳn cuộc thi đầu. Chiến thắng của cô gái trẻ Đinh Thị Nụ hoàn toàn có thể ví như một chiến công. Vẻ đẹp tuyệt sắc của nụ hoa rừng đã làm lắm kẻ si mê nguyện chết dưới chân nàng.
Thế nhưng, theo lời kể chân thực của vợ chồng bà Đinh Thị Nhung, cháu gái của hoa hậu Đinh Thị Nụ thì ngoài vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, hoa hậu của chúng ta còn mang một cá tính… dị thường. Những giai thoại về bà vẫn lưu truyền trong gia tộc đến tận bây giờ…
Đinh Thị Nụ sinh năm 1925 trong một gia đình quan lang có thế lực nhất xứ Mường thời kỳ ấy. Thân sinh là ông Đinh Công Chung, em trai của Tuần phủ Hòa Bình Đinh Công Thịnh. Mẹ bà Nụ là người Kim Bôi, Hòa Bình, nơi nổi tiếng với những dòng suối nước khoáng ngọt lành.
Tương truyền nhan sắc của bà Nụ với làn da trắng mát, mái tóc đen sóng sánh là được di truyền từ người mẹ. Tuy thuộc tầng lớp quan lang địa chủ, nhưng dòng họ Đinh Công sống rất ôn hòa. Quan Tuần phủ Đinh Công Thịnh xử nhiều vụ án kiện tụng một cách công bằng, giữ yên ấm làng trên xóm dưới.
Đinh Thị Nụ sinh ra trong một nền tảng như thế. Từ nhỏ bà có cá tính hoang dã, bất kham lạ thường. Bà không ham mê nghe hát, chưng diện váy vóc như các tiểu thư trâm anh thế phiệt. Sở thích của bà là được cưỡi ngựa vi hành cùng ông bác Tuần phủ Đinh Công Thịnh, thâm nhập vào cuộc sống những người dân tộc đói khổ, rách rưới. Nhiều khi bà còn lén cải trang trốn ra ngoài như một sơn nữ dân dã. Bà cũng rất ham học, đòi thân phụ cho đến trường huyện 3 năm học lớp é lesmantes như một nam nhân thực thụ.
Ông Hạnh khoe váy áo cô Nụ thường mặc khi xưa.
Bà Đinh Thị Nhung tiết lộ: "Ngày xưa người Mường phân cấp rất rõ ràng. Chỉ con gái nhà quý tộc mới được phép mặc màu đỏ. Các cô tiểu thư chỉ thích lựa chọn những xiêm y đỏ tươi, chăm chỉ ngậm quả mè nhuộm răng đen bóng. Như vậy mới đẹp và sang trọng! Thế nhưng cô Nụ của tôi thì ngược lại, cô chỉ thích mặc những bộ quần áo màu tối giản dị. Cô cũng nhất quyết không chịu nhuộm răng. Hồi đó, theo quan niệm để hàm răng trắng là xấu lắm. Nhưng cô Nụ chẳng thèm quan tâm người khác nghĩ gì".--PageBreak--
Những cuộc hôn nhân đẫm nước mắt
Với hoa hậu Đinh Thị Nụ, hai chữ "đa mang" vận vào trọn vẹn hơn bao giờ hết. Theo bà Đinh Thị Nhung kể lại thì những bất hạnh trong đời của bà Nụ liên quan đến một lời dự đoán cổ xưa (?!). Một người họ hàng trong gia tộc Đinh Công, rất am hiểu thuật tướng số khi ngắm Đinh Thị Nụ đã buồn bã nói: "Cái Nụ có đôi mắt ướt mà sâu, lại thiếu nét tươi vui thế này là đại kị. Nhẹ thì trải qua vài đời chồng, nặng thì sát phu, khắc con…".
Quả không sai lời dự đoán, cuộc đời Đinh Thị Nụ phải qua ba đời chồng, cùng muôn vàn những nỗi đa truân ứng vận.
Đặc biệt ông Hạnh, cháu rể hoa hậu Đinh Thị Nụ tiết lộ một sự thật về hoa hậu mà rất ít người biết. Gia phả gia tộc, sử sách địa phương đều chỉ ghi chép rằng hoa hậu Đinh Thị Nụ bước qua "hai lần đò". Nhưng thực ra, con số đó không phải 2 mà là 3.
Vậy tại sao một người chồng nữa của hoa hậu lại bị quên lãng, không được nhắc đến?
Có lẽ đây cũng là một dấu vết mà dòng họ chẳng hề muốn khui ra.
Sự là, Tuần phủ Đinh Công Huy có đứng ra làm chủ hôn gả cháu gái mình cho một gia đình quan lang cũng có thế ở Lạng Sơn. Năm 1937, Nụ cưới chồng lần đầu. Nghe người già kể lại, gia đình chồng Nụ gánh đến hàng chục gánh vàng bạc, lót thảm thổ cẩm để rước cô tiểu thư danh giá về Lạng Sơn làm dâu, linh đình lắm! Người chồng đầu tiên là con một vị quan châu người Mường, là một công tử thư sinh, yếu đuối.
Mười hai tuổi, Đinh Thị Nụ đã thể hiện rõ tính cách liều lĩnh, ngang tàng. Vỏn vẹn một tháng sau ngày cưới, Nụ bỏ chồng, trốn về nhà mẹ đẻ. Chỉ bằng đôi chân trần, Nụ đã vượt hàng trăm cây số đường rừng rú, đạp đá tai mèo nhọn hoắt trở về nhà. Sau này, nhà chồng năm lần bảy lượt kéo đến đòi cô dâu nhưng sợ cái oai của ông Tuần phủ Đinh Công Thịnh mà đành lủi thủi kéo về. Vì danh dự, gia tộc Đinh Công đã giữ kín bí mật này nhiều năm.
Năm 1942, khi Đinh Thị Nụ đã đăng quang ngôi vị hoa hậu, trong chuyến du ngoạn đến Hà Nội, Nụ đã lọt vào mắt xanh một vị thương gia người Kẻ Chợ ở phố Hàng Khay. Năm 1945, ông bỏ ngàn vàng để cưới bông hoa tuyệt sắc của núi rừng về. Tưởng rằng, hoa hậu Nụ sẽ có một tương lai tươi sáng ở chốn phồn hoa đô hội ấy. Éo le thay, hạnh phúc của ông thương gia và người đẹp miền sơn cước không kéo dài lâu. Nụ không có khả năng sinh con dù chồng cô vời đến đủ thầy thuốc Tây ta, nhang đèn cúng bái.
Với tính cách cao ngạo, không chịu nổi lời ra tiếng vào của nhà chồng, Nụ đành tay trắng trở về nhà mẹ. Lần này, Đinh Thị Nụ không còn tươi vui, bất cần như trước nữa. Nụ tâm sự với người chị gái của mình: "Em chán ngán nhân thế quá rồi!". Khi ấy, Nụ tròn mười tám, độ tuổi mà theo quan niệm người Mường xưa, là quá lứa lỡ thì lắm…
Thế nhưng, cao xanh kia lại khéo trêu đùa mỹ nhân. Vào những năm 1948-1949, gia đình quan Tuần phủ được Ngân hàng Trung ương chọn làm kho chứa bạc. Hồi ấy, có một người đàn ông đảm trách nhiệm vận chuyển tiền bạc tên là Ngô Văn Tình xin ở nhờ nhà Tuần phủ. Ông Tình là thương gia quê gốc Nam Định đã có vợ và hai con ở Hà Nội.
Một lần, ông bắt gặp Nụ đang chải tóc bên bậc cửa. Khác với phản ứng e dè của nữ nhi thường tình, Nụ chẳng hề lảng tránh, bà bướng bỉnh nhìn thẳng vào mắt ông. Ngay lập tức, ông Tình đã trúng tiếng sét ái tình, nhất quyết xin cưới Nụ làm vợ. Mặc kệ bà đã cứng tuổi (20 tuổi), có hai đời chồng, không có khả năng sinh con cũng như lời xì xào rằng bà cao số, mang ác tướng.
Người cháu rể Đinh Công Hạnh trước ngôi nhà nhỏ đơn sơ mà hoa hậu Đinh Thị Nụ sống đến lúc cuối đời.
Vì quan niệm khắt khe của gia đình quý tộc thời ấy, cho đến tận ngày cưới, ông mới được nói chuyện với bà lần đầu. Dẫu vậy, hai vợ chồng vẫn sống yên ấm trong một biệt thự trên phố Hàng Bài, Hà Nội. Tình yêu chỉ đến thực sự trong cuộc hôn nhân lần thứ ba này. Ông Tình đi làm ăn, tiếp khách đâu cũng mang vợ theo. Bà Nụ tỏ ra rất sắc sảo, giúp đỡ chồng nhiều trong công việc kinh doanh.
Vậy mà, một lần nữa, Đinh Thị Nụ vẫn không thoát khỏi lời nguyền đa mang của tạo hóa. Sau gần 30 năm ăn ở với nhau, ông Ngô Văn Tình đột ngột mất sau một cơn bạo bệnh. Bơ vơ không con cái, không người thân, cực chẳng đã bà Nụ quay lại Hòa Bình vào cái tuổi đã xế chiều. Lần này trở về, bà suy sụp hẳn.
Chế độ quan lang mất đi, gia tộc Đinh Công rơi vào cảnh túng quẫn. Ngôi nhà thênh thang được xây cất bằng gỗ lim, nghiến quý giá đã bị dỡ bán cả. Bà Nụ sống trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ với vợ chồng cô cháu gái Nhung - Hạnh. Danh vị hoa hậu xứ Mường lừng lẫy một thời giờ chỉ còn là ánh hào quang trong quá khứ. Tuổi già của hoa hậu Nụ chìm đắm trong nỗi cô đơn triền miên. Bà luôn ngơ ngác nhìn ra cánh cổng như ngóng chờ ai. Thi thoảng, bà lại hỏi cháu gái và chắt dâu: "Ông Tình đâu?".
Trong chuỗi đời long đong ba lần đi lấy chồng xa cũng là ba lần ôm quần áo bỏ về xứ của hoa hậu Đinh Thị Nụ, vẫn có một niềm hạnh phúc lớn nhất. Đó là dù sinh ra ở Nam Định và sống ở Hà Nội cả cuộc đời, nhưng ông Tình vẫn đòi mai táng mình ở Lương Sơn, Hòa Bình. Nơi lưu giữ những ký ức đẹp nhất về mối tình mãnh liệt của ông bà.
Sau này, bà Nụ về với tổ tiên Mường Trời vào năm 2006, hưởng thọ 81 tuổi. Thể theo nguyện vọng, con cháu chôn cất bà sát cạnh mộ ông Tình. Vậy là đôi tình nhân sẽ đời kiếp không xa rời nhau. Tin rằng, đó là niềm an ủi, ý nghĩa nhất trong chuỗi đời bất hạnh, đẫm nước mắt của hoa hậu Đinh Thị Nụ.
Trên đường trở về Hà Nội, đôi câu hát bà Đinh Thị Nhung tặng chúng tôi trước khi từ biệt vẫn cứ vấn vít trong đầu. Bà nói rằng khi nghe bài hát này, lập tức nghĩ ngay đến cô Nụ của bà: “Người đẹp bước chân xòe, trai Mường Trời nhìn theo/ Người đẹp bước lên sàn, tiếng đàn ngừng reo…”.
*Ghi theo lời kể của người cháu gái Đinh Thị Nhung và các bô lão xóm Cọi, Lương Sơn, Hòa Bình
(Theo Công an Nhân dân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.