Ba tháng sau khi giới thiệu, Super Mario Run mới chính thức phát hành đến các thiết bị iOS (iPhone, iPad). Trò chơi đánh dấu sự hợp tác giữa Apple và Nintendo, và cũng là game mobile của huyền thoại giải trí Nhật Bản.
Trò chơi nhanh chóng được các trang công nghệ lớn đánh giá, tuy vậy, đa phần ý kiến vẫn cho rằng game chưa đạt được kỳ vọng tương xứng.
Dù đã có khoảng thời gian khá dài để phát triển và chuẩn bị, Super Mario Run vẫn đầy lỗi khi vận hành. Trên các diễn đàn game mobile, Super Mario Run bị báo cáo là liên tục văng khi đang chơi, hoặc tự thoát game trong quá trình kết nối tài khoản Nintendo. Một số người dùng cho biết không thể cài đặt game từ App Store, số khác không khởi động được game.
Tiếp theo đó, trò chơi yêu cầu người dùng có kết nối Internet mạnh để sử dụng. Trang Startup Hero không ngần ngại gọi yêu cầu này là "ngu ngốc", vì thực chất, Super Mario Run vẫn là một game offline, ít hỗ trợ tính năng chia sẻ.
Dù ít mang tính chia sẻ, Super Mario Run vẫn yêu cầu kết nối mạng.
Yêu cầu Internet khi chơi thường là cách các nhà phát triển đảm bảo người dùng đang sử dụng phiên bản chính thức, và trong trường hợp của Super Mario Run, nó không cải thiện trải nghiệm người chơi.
Quá trình cài đặt khá tệ khi người dùng phải kéo danh sách các nước rất dài để chọn vị trí của mình, trong khi iPhone đã biết vị trí của họ. Màn hướng dẫn chơi tỏ ra sơ sài.
Rất may, đồ họa, chủ đề và cách chơi của Mario Run được đánh giá khá cao. Tuy vậy, nó không mang lại "ký ức" cho các fan trung thành.
Dù mang nhiều hình ảnh, yếu tố quen thuộc, trò chơi mang lại trải nghiệm khá lạ lẫm. Ảnh: MacWorld UK.
Về cơ bản, trò chơi có 3 chế độ: câu chuyện - trong đó Mario đi "cứu công chúa" bằng cách vượt qua chướng ngại, tương tự Temple Run; chế độ thi đấu trong đó người chơi cố gắng đạt số điểm cao nhất trong khoảng thời gian nhất định; cuối cùng là chế độ "xây nhà", nơi người chơi xây dựng lại vương quốc.
Vấn đề của các chế độ này là hoặc nó quá nhanh chóng, hoặc quá nhàm chán.
Theo đó, trò chơi được tải miễn phí, nhưng sau 3 cấp độ đầu, họ phải trả 10 USD để mở khóa toàn bộ. Và khi đã trả tiền, Nintendo chiến thắng. Họ sẽ không quan tâm tới bạn sau đó, vì cũng không còn vật phẩm gì để bán sau đó, theo Forbes.
10 USD đó tương đương với 21 màn chơi, mà người chơi có thể hoàn thành chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Các màn chơi không có tính ngẫu nhiên, tất cả đã được định sẵn. Do đó, nếu "chết", người chơi dễ dàng làm quen và không tiếp tục phạm lỗi, độ khó không quá cao khi số lần thử lại là không giới hạn.
Nó nhanh chóng đến nỗi nhiều người cho biết họ bất ngờ khi nhận thông báo "phá đảo".
Với mức giá 10 USD, Super Mario Run khá ngắn và dễ dàng.
Chế độ xây dựng, ngược lại, rất tốn thời gian (và tiền bạc, nếu bạn chịu chi). Người chơi sẽ dùng tiền ảo để xây dựng thành phố, và số tiền ban đầu hết rất nhanh chóng. Họ sẽ phải trở lại hàng ngày để nhận tiền và tiếp tục trò chơi.
"Thậm chí với các màn thu thập vật phẩm, nhân vật ẩn... trải nghiệm của 24 màn chơi là khá giới hạn, so với mức giá 10 USD", Kyle Orland từ Arstechnica nhận định.
Tác giả này cũng cho biết anh nhanh chóng chán các màn chơi lặp đi lặp lại. Các chế độ khác cũng không thực sự có tính khám phá về sau.
Nhìn chung, đa số các trang công nghệ đều đánh giá đây là một game đáng chơi, phù hợp để giải trí. Tuy vậy, với mức giá 10 USD và danh tiếng của Nintendo, người dùng mong đợi những giá trị lớn hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.