|
Du khách đến Tả Van luôn được đón tiếp nồng hậu. |
Sau một đêm "nhận biết" các món nướng trong khu chợ giữa thị trấn, sáng hôm sau chúng tôi xuống bản Tả Van, đi qua những vườn tre, luồng xanh mướt ướt đẫm sương đêm. Lác đác, rồi đông dần trên đường những chị em người Mông mũ cao xanh chàm, chị em Dao mũ đỏ tươi rung rung những miếng bạc trắng, lúc ẩn hiện sau cây lá, lúc lại tấp nập xôn xao ngay trước mặt.
Xã Tả Van có nghĩa là "vòng cung lớn" chỉ cách Sa Pa vài cây, tựa lưng dãy Hoàng Liên Sơn và nâng lên trước mặt là suối Mường Hoa trong trẻo uốn dòng. Từ Tả Van có thể đi lại rất thuận tiện đến các điểm du lịch nổi tiếng khác của Lào Cai: Lao Chải, Cầu Mây, Tả Phìn…
Hơn 10 năm qua, dịch vụ du lịch lan dần lên núi cao, Tả Van trở thành một trong những điểm đến để những ai ưa khám phá, trải nghiệm có thể hoà vào nếp sống sinh hoạt và trầm tích văn hoá của các dân tộc Mông, Dao, Giáy ẩn hiện sau những khung cửa gỗ ám khói thời gian.
Anh Hoàng Văn Phi - cán bộ Ban quản lý du lịch xã Tả Van giới thiệu: Ngày trước xã có đội văn nghệ của cả ba dân tộc, nay còn có đội của người Giáy, có thể giới thiệu với du khách và các dân tộc anh em những điệu múa, bài hát, tiếng khèn Giáy.
Phát huy bản sắc văn hoá được coi như một tiềm lực cơ bản để thúc đẩy du lịch và tăng cường cơ sở hạ tầng của Tả Van thời gian qua. Trong xã đã có hơn 40 hộ tổ chức dịch vụ lưu trú, khách có thể nghỉ qua đêm với điều kiện ẩm thực, vệ sinh và an ninh tương đối tốt. Đêm, khách nằm trên đệm cứng trong nhà gỗ mà ngửi mùi sương lạnh ở ngoài lùa vào khe gỗ và tiếng rì rầm của gió.
Ban ngày, người Tả Van có nhiều đặc sản để phục vụ khách như thịt bò, gà, lợn hun khói, rau cải mèo, su hào, su su… Bà Lý Thị Liên (dân tộc Giáy) đón khách đến thăm trong ngôi nhà gỗ rộng rãi có tuổi gần trăm năm, là nơi trú ngụ qua bốn thế hệ gia đình, kể: Ngày trước chúng tôi từng muốn sửa nhà, nhưng rồi thấy nhiều người đến thăm thích nhà cổ nên giữ lại.
Trong không gian hùng vĩ của đất trời mây khói, Tả Van ẩn chứa nhiều "mắt nhìn" sâu thẳm - nơi mà người ta lên như để tìm thêm từng "mảnh quá khứ" của những người anh em núi cao vừa quen vừa lạ. Ở Tả Van còn sót lại tục thờ đá của người Việt cổ. Bên kia suối có khu chạm khắc đá cổ với gần 200 tảng đá to nhỏ.
Trên mỗi tảng đá khắc nhiều hình ảnh và hoa văn độc đáo của người xưa. Ngày ngày trong không gian ấy, người ta sinh sống, làm việc đi lên Sa Pa bán hàng thổ cẩm, đi chợ và nói chuyện cấy hái. Tôi có mua được một cái mũ nam giới người Mông ở Lai Châu đội lên đầu, chỉ đỏ đậm trên nền vàng và chàm, tối hôm trước ở chợ đêm Sa Pa lại mua cái khăn lưng thêu thổ cẩm của chị em người Mông, cũng hao hao như thế, nhưng quàng vào cổ. Đứng ở Tả Van, một bà cụ người Mông đeo gùi đi đến, nhìn tôi và nói: Trông cháu quen quen!
Quang Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.