Đại diện của nhà xuất bản Harper Collins - nơi xác nhận thông tin này đã dành những lời tốt đẹp để tưởng nhớ về nữ nhà văn như “thế giới sẽ thiếu một màu sắc văn chương khi Colleen ra đi” hay "nữ nhà văn Australia đầu tiên nổi tiếng trong làng văn học thế giới"...
Nhà văn Colleen McCullough
Michael V. Carlisle - người đại diện của Colleen McCullough cho hay, trong những năm gần đây, Collen tiều tụy đi nhiều bởi bà mắc khá nhiều bệnh. Khi không còn đủ sức khỏe để tự hoàn thành mọi việc, bà sáng tác và nhờ người thư ký ghi chép lại.
Colleen không thích sự nổi tiếng mà chỉ muốn ẩn dật, tìm một nơi yên tĩnh để tập trung sáng tác. Norfork (Australia) - hòn đảo nơi bà qua đời cũng chính là nơi bà đã gặp được Ric Robinson - người sau này trở thành chồng bà.
Bên cạnh “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” - tiểu thuyết nổi tiếng xuất bản năm 1977 được dịch ra nhiều thứ tiếng, Colleen còn có hơn 20 tiểu thuyết khác. Ít ai biết rằng, năm 1974, nữ nhà văn Australia từng viết một cuốn tiểu thuyết song không được chú ý. Chỉ đến khi “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” ra đời, tiếng tăm của bà mới được biết đến.
Colleen viết văn khi đang là một nhân viên y tế, viết lách chỉ là nghề tay trái. Vậy mà “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” tạo được tiếng vang ngoài sức mong đợi của bà và nó được so sánh với rất nhiều cuốn tiểu thuyết kinh điển khác, trong đó có “Cuốn theo chiều gió”.
Không chỉ nổi nhờ "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", các tác phẩm "Người đến từ thành Rome", "Cuộc chạy trốn của Morgan" của Colleen cũng rất gần gũi với công chúng yêu sách. Cuốn sách cuối cùng trong sự nghiệp viết văn của bà xuất bản năm 2013 với tựa là “Bittersweet” (Ngọt đắng - PV).
“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” - câu chuyện tình giữa Meggie và vị cha xứ Ralph - đầy lãng mạn và bi kịch được chuyển thể thành loạt phim cùng tên do Mỹ sản xuất, lên sóng vào năm 1983.
Thảo Linh (Theo New York Times)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.