Tác quyền nhạc số trở về thời... hỗn mang

Chủ nhật, ngày 04/08/2013 06:32 AM (GMT+7)
Tháng 11.2012, ngỡ rằng tác quyền nhạc số có một bước nhảy vọt khi MV Corp đứng ra thu tác quyền nhạc trực tuyến. Tuy nhiên sau vài tháng, đơn vị này đã bỏ cuộc, tình trạng xâm phạm bản quyền nhạc số "mèo lại hoàn mèo".
Bình luận 0
Mới đây nhất, ê-kíp của ca sĩ Văn Mai Hương đã phải lên tiếng kêu cứu.

Dễ dàng thất bại

Ngày 1.11.2012 là ngày Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và MV Corp ấn định là ngày bắt đầu thu phí tải nhạc trực tuyến với 13 trang web nghe nhạc trực tuyến lớn nhất trong cả nước. Tuy nhiên, sau 1 tháng, kết quả thu được khá nghèo nàn, chỉ chưa đến 20 triệu đồng thu về, điều này đã khiến cho MV Corp phải "bỏ của chạy lấy người" khi thanh lý hợp đồng sớm với RIAV chỉ sau 4 tháng thay vì 3 năm như dự kiến ban đầu.
Ca sĩ Văn Mai Hương và ê-kíp trong buổi ra mắt album “Mười tám +”
Ca sĩ Văn Mai Hương và ê-kíp trong buổi ra mắt album “Mười tám +”

Có khá nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự thất bại này. Thứ nhất, số file nhạc mà MV Corp đã mua bản quyền từ RIAV để thu tác quyền chất lượng không cao như mong đợi, lại toàn là những bản nhạc cũ, không phải là các bản nhạc thời thượng. Khi khách hàng vẫn có quyền lựa chọn giữa một bên là nghe miễn phí các bản nhạc thời thượng và phải bỏ tiền ra mua các bản nhạc cũ thì việc thu phí tải nhạc trực tuyến thất bại là đương nhiên.

Việc thu phí tải nhạc trực tuyến thất bại dễ dàng như vậy chỉ có thể lý giải bằng việc thiếu sự nhất quán và đồng lòng của toàn bộ các bên chủ sở hữu file nhạc số gồm ca sĩ, nhà sản xuất, RIAV. Bởi không phải nhà sản xuất âm nhạc nào cũng là thành viên hiệp hội nên việc thống nhất bảo vệ tác quyền làm theo kiểu "xôi đỗ", có người tham gia, có người không. Đặc biệt có ca sĩ muốn sản phẩm của mình được bảo hộ, song cũng có ca sĩ lại muốn tung các MV, single lên mạng cho tải miễn phí để có nhiều người nghe nhằm khuếch trương tên tuổi. Trong tình cảnh đó, người tải nhạc không hề "đói" nhạc tới mức buộc phải bỏ tiền ra mới có nhạc để nghe.

Hơn nữa, việc xử lý các trang nhạc không tôn trọng quyền sở hữu sản phẩm nhạc số hiện nay hầu như bị buông lỏng. Các website để cho thành viên vô tư up nhạc lên và chia sẻ cho nhau như người "múa gậy vườn hoang" và không hề bị cấm đoán, nhắc nhở cũng là một nguyên nhân khiến việc bảo hộ tác quyền ngày càng xa ngoài tầm với.

Bị mắng vì dám đòi công bằng

Cách đây một vài ngày, vụ ê-kíp nhà sản xuất album "Mười tám +" của ca sĩ Văn Mai Hương mà đại diện là nhạc sĩ Huy Tuấn đã lên tiếng kêu cứu khi sản phẩm mà họ bỏ công sức suốt 2 năm trời chưa kịp ra mắt vào đầu tháng 8 đã bị phát tán tràn lan trên mạng. Điều đáng buồn là phản hồi của chính các khán giả đang vô tư xài miễn phí tài sản của người khác còn khiến giới sản xuất âm nhạc buồn hơn cả việc bị mất quyền sở hữu “đứa con tinh thần” của họ.

Ngay dưới bài báo về lời kêu cứu và dọa sẽ kiện những ai vi phạm tác quyền album "Mười tám +" của nhạc sĩ Huy Tuấn là hàng loạt những bình luận của độc giả cho thấy sự thiếu hiểu biết tới mức sửng sốt về tác quyền của họ. Khá nhiều độc giả cười cợt vào nỗi bức xúc này của nhạc sĩ, họ thản nhiên bình luận: "Không muốn cho mọi người biết thì mang về nhà bỏ vào két sắt mà giữ, sao lại up lên mạng làm gì?" hay "Huy Tuấn nói vi phạm cứ như công an. Không phối hợp với chính quyền mà lại phát ngôn vượt tầm nghệ sĩ nghe rất trái khoáy". Thậm chí có ý kiến còn "dọa" lại nhạc sĩ: "Nếu làm căng thì sẽ bị tẩy chay đấy, thiếu gì bài hay để khán giả chọn lựa chứ, nhạc sĩ tìm được người thưởng thức là đã thành công rồi".

Đọc những bình luận này của các độc giả, có lẽ các nhà sản xuất âm nhạc chỉ còn nước bó tay kêu trời vì vừa mất của lại vừa bị mắng vốn vì dám... đòi quyền sở hữu với sản phẩm của mình. Nhưng những bình luận này cũng cho thấy một thực tế, các nhà sản xuất âm nhạc tại Việt Nam đang bị dồn vào đường cùng, đang bị ném xuống hồ nước sâu trong khi không biết bơi và cũng chẳng ai cho một chiếc phao cứu mạng. Khán giả thì chỉ thích xài chùa, cơ quan chức năng thì không có động thái bảo vệ, hành trình thu phí tải nhạc đã trở về điểm xuất phát, họ thực sự đơn độc trong cuộc chiến tự bảo vệ tài sản của mình.

Nhạc sĩ Quốc Trung: "Tôi nghĩ mức phí không phải là yếu tố quyết định cho việc bảo vệ và thực thi Luật Bản quyền mà việc có được một thoả thuận minh bạch, cân bằng quyền lợi của công chúng nghe nhạc, nghệ sĩ, nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh mới là mấu chốt của vấn đề. Cần phải quan tâm đến lợi ích của mọi người thì mới cùng nhau xây dựng và phát triển được, chứ mạnh ai người ấy giành giật thì chỉ lôi nhau xuống thôi".

Nhạc sĩ Huy Tuấn: "Đây là một sự vi phạm bản quyền trí tuệ trắng trợn, cho thấy một thói quen tiêu dùng thiếu văn hoá và thiếu sự tôn trọng sáng tạo của các nghệ sĩ. Là một trong những người khởi xướng phong trào "Nghe có ý thức", tôi mong mỏi rằng đấy chính là những tiếng nói cảnh tỉnh về vấn nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc đang tràn lan trên Internet".

Nhạc sĩ Anh Quân: "Nếu các cơ quan chức năng vẫn đứng ngoài cuộc thì tình trạng này không bao giờ cải thiện được. Chúng tôi đã lên tiếng rất nhiều lần nhưng không có kết quả. Không biết đến bao giờ thì sự vi phạm pháp luật này mới được xem là một liều thuốc độc làm ảnh hưởng đến cả một nền âm nhạc. Sẽ không có nhà sản xuất âm nhạc nào dám đầu tư tiền của, sức lực, trí tuệ của họ để làm ra các sản phẩm âm nhạc mà họ biết chắc chắn là nó sẽ không được bảo hộ quyền sở hữu".

Ca sĩ Văn Mai Hương: "Tôi không hiểu vì sao họ lại có thể làm được những việc như thế. Họ nên biết rằng, "Mười tám +" chưa có tem phát hành, đó là sự vi phạm đầu tiên khi phát tán sản phẩm chưa được cấp phép. Thứ hai, họ không có bản quyền về album này, họ đã ăn cắp công sức của ê kíp sản xuất album và công khai như thể họ đang làm những việc hết sức đúng đắn".
Minh Minh (ghi)

Nhất Huy (Nhất Huy)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem