Tách xã lại càng nghèo

Thứ năm, ngày 06/10/2011 06:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ những xã được xếp vào diện “đặc biệt khó khăn”, cuối năm 2008, huyện Sơn Tây và Ba Tơ (Quảng Ngãi) được tách thêm 4 xã mới. Các xã mới tách bỗng dưng bị văng ra khỏi diện “khó khăn”, dù họ đang là những xã khó khăn nhất tỉnh.
Bình luận 0

Tách xã để được đầu tư

Trước khi chia tách, các xã Sơn Mùa, Sơn Tân, Sơn Dung (huyện Sơn Tây) và Ba Dinh (huyện Ba Tơ) được xếp vào diện đặc biệt khó khăn, được hưởng các chính sách hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ như Chương trình 135, Chương trình 30a.

img
Sau 3 năm chia xã, Trạm Y tế xã Sơn Long vẫn là nhà tạm.

Tuy nhiên, do đặc thù của những xã trên là ở vùng cao, địa bàn quá rộng, gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và tiếp nhận triển khai các chương trình hỗ trợ của Chính phủ nên huyện Ba Tơ và huyện Sơn Tây đã làm tờ trình xin được tách thêm 4 xã mới là Sơn Màu, Sơn Liên, Sơn Long và Ba Giang.

Cuối năm 2008, Bộ Nội vụ đã đồng ý để 2 huyện Sơn Tây và Ba Tơ thành lập 4 xã mới nói trên. Xuất phát từ suy nghĩ, nếu chia xã thì nguồn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ của trung ương sẽ dồi dào hơn, triển khai cũng thuận lợi hơn, thế nhưng khi chia xã mới, các nhà quản lý lại “quên” mất các xã này có “nguyên gốc” là những xã đặc biệt khó khăn!

Vì vậy, 4 xã mới chia này, các chương trình hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn đều bị cắt hết. Vốn dĩ đã khó khăn, giờ lại càng khó khăn hơn. Đã nhiều lần, xã, huyện và tỉnh Quảng Ngãi có văn bản kiến nghị gửi các cấp trung ương xin được “trả lại” khó khăn cho những địa phương này, nhưng đã 3 năm trôi qua, mọi kiến nghị đều không có hồi âm.

Lại gặp khó khăn hơn

Nếu là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn thì mỗi năm được Nhà nước hỗ trợ theo định suất 1 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, giờ bị cắt hết. Hàng loạt các khoản tiền từ Chương trình 135 để đầu tư làm đường về các bản làng, các công trình nước sạch, công trình thủy lợi mà người dân được hưởng trước đây thì nay cũng không còn nữa.

Ông Phạm Hồng Khuyến - Chủ tịch UBND xã Sơn Long nói: “Đau nhất là tiền hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo theo Chương trình 167, vì không thuộc diện “đặc biệt khó khăn” nên mỗi ngôi nhà bị “cắt” hết 1,2 triệu đồng. Toàn xã Sơn Long có 300 gia đình được hưởng Chương trình 167 thì bị thiệt 360 triệu”.

Do không được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã mới này tăng vọt, vượt xa tỷ lệ bình quân hộ nghèo của toàn huyện. Chẳng hạn như huyện Sơn Tây, tỷ lệ hộ nghèo bình quân là 67% nhưng xã Sơn Long (mới chia), tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên đến trên 83%.

Các công trình phúc lợi cũng bị cắt hết nên 4 xã mới tách này gần như là “xã trắng”. Nếu xã Sơn Long vì không được hỗ trợ để xây trạm y tế xã, các y sĩ, y tá phải chui tạm trong ngôi nhà được thưng vách lồ ô, không có chỗ điều trị nội trú. Trạm Y tế xã Ba Giang được xây xong nhưng không có điện nên các thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cần đến điện giờ cũng đành xếp xó.

Suốt 3 năm qua, nhiều ý kiến của cử tri tại các địa phương nói trên gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nhờ “chuyển giúp”, song chưa có kết quả. Việc “bỏ quên” xã nghèo này rất nên được các cấp có thẩm quyền ở trung ương “đính chính” sớm để hàng ngàn gia đình đồng bào thiểu số được nhờ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem