Tái bản tập Nhật ký chiến trường của nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý

Kim Oanh Thứ năm, ngày 07/03/2019 19:14 PM (GMT+7)
Chiều 7.3, tại Đà Nẵng, nhân kỷ niệm 50 ngày nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý hy sinh (8.3.1969-8.3-2019), nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ cùng gia đình nhà văn tái bản tập Nhật ký chiến trường như một lời tri ân, tưởng nhớ tới chị và những nghệ sĩ, chiến sĩ chiến đấu anh dũng hy sinh, để lại cho đời những tác phẩm mang đậm dấu ấn của một thời kỳ lịch sử oanh liệt của dân tộc.
Bình luận 0

img

"Nhật ký chiến trường" của nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý 

Nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (19.4.1941-8.3.1969) sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình trí thức yêu nước. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khoa báo chí do Ban Tuyên huấn T.Ư tổ chức, chị về làm phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam khi vừa tròn 20 tuổi.

Là một phóng viên năng nổ, xông xáo, Dương Thị Xuân Quý luôn có mặt khắp các vùng thành thị, nông thôn miền Bắc. Tháng 3.1965, chị viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu.

Tháng 2.1966, chị lập gia đình. Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý luôn có mặt tại các vùng trọng điểm tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh... Tháng 4.1968, chị gửi con gái mới 16 tháng tuổi cho bà ngoại để vào chiến trường miền Nam.

Đêm 8.3.1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) trong một trận càn quét ác liệt, khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật bò lên cố tìm cách thoát ra khỏi vòng càn.

Tập "Nhật ký chiến trường" là những trang nhật ký riêng của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý ghi từ ngày chuẩn bị rời thủ đô Hà Nội lên đường hành quân, cho đến gần ngày chị rời căn cứ trên núi miền Tây Quảng Nam của cơ quan Ban Tuyên huấn Khu 5 để đi chuyến công tác đầu tiên và cũng Ià cuối cùng xuống vùng mặt trận trọng điểm Quảng Đà.

"Nhật ký chiến trường" là nhật ký riêng đồng thời cũng là những ghi chép sống động về cuộc sống và chiến đấu đầy gian khổ nhưng dũng cảm, hào hùng của bộ đội và nhân dân ta từ dọc đường Trường Sơn đến vùng căn cứ kháng chiến Khu 5 thời điểm sau Xuân Mậu Thân 1968.

img

Con gái Bùi Dương Hương Ly chia sẻ cảm xúc tại buổi giới thiệu tác phẩm.

"Nhật ký chiến trường" cũng là một trong những minh chứng về tinh thần chiến đấu dũng cảm và lao động sáng tạo nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó có bản thân chị, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Những hy sinh, cống hiến của Dương Thị Xuân Quý được Đảng, Nhà nước ghi nhận: Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý được cấp bằng Tổ quốc ghi công tháng 5.1972 và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật tháng 2.2007. 

Nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ: “Tác phẩm văn học của nhà văn Dương Thị Xuân Quý không thể tính bằng số trang, mà phải bằng máu của tác giả. Nếu tính bằng máu, thì làm sao biết máu ấy mỏng hay dày, làm sao đo đếm từng giọt máu ấy?

Tôi đã đọc “Nhật ký Dương Thị Xuân Quý”. Người mẹ ấy trên đường Trường Sơn đã nhớ thương con mình một tình thương đầy vò xé, đầy day dứt, và đầy thương cảm đến thế nào. Nếu không có những hy sinh kinh khủng như thế của hàng triệu con người, chúng ta làm gì có ngày 30.4.1975?... Đừng bao giờ đong đếm hy sinh, một khi chúng ta là những người may mắn còn sống đến hôm nay…”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem