Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: Lo đụng lợi ích nhóm

Thứ tư, ngày 16/11/2011 14:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn rất nhiều vì liên quan đến lợi ích nhóm mạnh" - TS Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết.
Bình luận 0

Hiệu quả kém vì thiếu quy chế

Tại buổi Hội thảo “Tái cấu trúc DNNN” do Bộ Tài chính tổ chức sáng 15.11, TS Võ Trí Thành phát biểu: "Nhiều người đặt câu hỏi tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đổi mới DNNN phải bắt đầu từ đâu; thế nào là tái cấu trúc DNNN. Tôi phải nói rằng, DNNN là một trong 3 yếu tố cùng với tài chính, đầu tư công gây ra xáo trộn kinh tế vĩ mô. Theo tôi, quá trình tái cấu trúc đã bắt đầu từ 20 năm trước. Nhưng giai đoạn này, việc tái cấu trúc DNNN chính thức bước vào giai đoạn khó khăn hơn vì liên quan nhiều đến lợi ích nhóm”.

img
Tái cấu trúc các DNNN cần được thực hiện quyết liệt.

Theo TS Võ Trí Thành, tái cấu trúc DNNN có nghĩa là chúng ta phải tìm ra cách cư xử với những gì mà do nền kinh tế đã đẻ ra, dù nó là tốt hay xấu.

“Việc chưa xây dựng được quy chế hoạt động cho các tập đoàn, tổng công ty dẫn đến quản lý lỏng lẻo, thành lập công ty con-cháu hoạt động chồng chéo, lãng phí nguồn lực”, là ý kiến của PGS-TS Ngô Trí Long khi phân tích những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với DNNN.

Theo ông Long vấn đề tái cấu trúc DNNN cần thay đổi từ chính tư duy trong tái cấu trúc DNNN. Trước hết cần xóa bỏ tư duy độc quyền trong kinh doanh, dựa vào ưu đãi của Nhà nước. Muốn tái cấu trúc DNNN một cách triệt để, có hiệu quả cần thay đổi nhận thức, quan điểm vai trò chủ khu vực này. Nhà nước không nên sử dụng DNNN như một công cụ điều tiết vĩ mô, điều tiết thị trường.

Cùng đồng tình với ý kiến của TS Ngô Trí Long - GS-TSKH Trương Mộc Lâm - nguyên Chủ tịch HĐQT Bảo Việt, cho rằng hiện nay quy chế hoạt động dành cho các tập đoàn, tổng công ty chưa rõ ràng nên dẫn đến thực tế các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo mô hình mẹ - con nhưng “đẻ ra công ty con, cháu hoạt động chồng chéo”.

Đẩy mạnh cổ phần hóa

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng tái cấu trúc DNNN là chủ trương, nhiệm vụ cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi quyết tâm của nhà hoạch định chính sách cũng như chính sách thực hiện phải quyết liệt.

TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng vấn đề nằm ở khâu quyết tâm chính trị, sách lược đã vạch ra nhưng không quyết tâm thì không lay chuyển được tình thế. Theo ông Phong, có một số điểm cần đặt thành trọng tâm trong quá trình tái cấu trúc. Đặc biệt là phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ” tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích chi phối.

Thống kê của Học viện Tài chính Hà Nội cho thấy, doanh nghiệp nhà nước hiện nắm giữ tới 70% tổng tài sản cố định của toàn bộ nền kinh tế; chi phối hơn 20% vốn đầu tư của toàn xã hội; 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại; 50% vốn đầu tư của Nhà nước và 70% nguồn vốn ODA (nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức). Song tỷ lệ đóng góp vào GDP chỉ được 37-39%, tạo việc làm cho 4,4% tổng số lao động, đặc biệt tỷ lệ tăng sản lượng và năng suất lao động luôn chậm hơn khu vực tư nhân là 10-14%.

Ths Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế chính trị thế giới) cho rằng, giải pháp hiệu quả để tái cấu trúc là cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa. Nhà nước cần lên danh sách các doanh nghiệp cần cổ phần hóa và xếp theo mức độ “thất bại thị trường”, với doanh nghiệp nào có thể cổ phần hóa được thì tiến hành ngay. Sau quá trình cổ phần hóa thường đi kèm các vấn đề xã hội, do đó xây dựng các chính sách hỗ trợ sau cổ phần hóa như miễn giảm thuế, trợ cấp thất nghiệp… để tạo điều kiện thuận lợi cho cổ phần hóa.

Đối với các DNNN chưa thể thực hiện chuyển giao cho tư nhân làm thì tách quyền quản lý ra khỏi quyền sở hữu đề trao lại việc điều hành cho lãnh đạo đơn vị, loại bỏ thực sự mọi hỗ trợ nhà nước để buộc DN hoạt động theo thị trường.

Tuy nhiên quá trình này cũng không thể làm ồ ạt, mà tiến hành thận trọng nhất là với các cơ sở liên quan nhiều tới dịch vụ xã hội như y tế, điện nước… Đối với những lĩnh vực hay hoạt động đặc thù như đường sắt, hàng không thì nhà nước chỉ nắm giữ cơ sở hạ tầng, còn phần dịch vụ cung ứng phải tư nhân hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem