Tái cơ cấu kinh tế phải toàn diện

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 22/10/2014 06:28 AM (GMT+7)
“Tái cơ cấu kinh tế phải toàn diện mới có sự liên thông. Khu vực nông nghiệp và du lịch là khu vực còn hấp thụ vốn nhiều nên cần phải tăng vốn đầu tư”- đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân của đoàn TP.HCM đề xuất.
Bình luận 0

Cần tăng mức đầu tư cho phát triển tam nông

Ngày 21.10, Quốc hội làm việc ở tổ, cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, so với tiềm năng của đất nước từ dân số đến nguồn tài nguyên thì kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,7% trong 4 năm qua là tăng trưởng dưới tiềm năng. Ông cũng đưa ra một đánh giá khá “giật mình”: "Nền kinh tế Việt Nam khó bền vững, nhìn về kinh tế trung hạn thì thấy vẫn xu hướng tăng lên, nhìn về dài hạn thì đây là giai đoạn kinh tế phát triển trì trệ nhất".

Để nền kinh tế phát triển ổn định, trong nhiều giải pháp, đại biểu này cho rằng, cần phải tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, phải tập trung giải quyết, bởi khâu hành chính hiện nay vẫn khiến doanh nghiệp phải bỏ chi phí không cần thiết. “Tái cơ cấu kinh tế phải toàn diện như vậy mới có sự liên thông. Khu vực nông nghiệp và du lịch là khu vực còn hấp thụ vốn nhiều nên cần phải tăng vốn đầu tư” - ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất.

Nhìn vấn đề ở một góc cạnh khác, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhìn nhận, mặc dù xác định tình hình đang khó khăn và tiếp tục khó khăn, nhưng qua khảo sát thấy niềm tin doanh nghiệp đã quay trở lại. “Số doanh nghiệp làm ăn có lãi đã tăng lên, dù vẫn có doanh nghiệp giải thể, nhưng số doanh nghiệp có lãi đã tăng hơn và cao hơn. Đây cũng là tín hiệu cho thấy nền kinh tế có tăng trưởng và khá hơn” - ĐB Lộc chia sẻ. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) lại cho rằng, năm 2014, số lượng doanh nghiệp chịu thuế thu nhập giảm đi. Số doanh nghiệp thành lập mới chưa vào sản xuất, những doanh nghiệp phá sản là mất nguồn thu. “Với cách nhìn như vậy tôi cho rằng không nên quá lạc quan” - ĐB Quang bày tỏ.

Rà soát Chương trình nông thôn mới


Đại biểu Trần Ngọc Vinh
 Cần đánh giá một cách sâu sắc xem nông nghiệp nông thôn cần phát triển như thế nào, đang đầu tư vào đâu và cần đầu tư vào đâu.
 
Phát triển kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là vấn đề được một số ĐB đề cập. Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Chính phủ cần có đánh giá sau 3 năm xây dựng NTM. Ở một số vùng nông thôn, thời gian qua chủ yếu chỉ tập trung vào việc xây dựng đường. "Tôi nghĩ cần có chính sách để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, đây là cơ sở cho đảm baoảo an sinh xã hội. Trong mấy năm vừa qua, chúng ta phát triển nông nghiệp, nhưng sản lượng rất kém. Một số nơi có thể tăng sản lượng, nhưng chất lượng rất kém, không thể xuất khẩu được. Phát triển như vậy là không đồng bộ” - ĐB Vinh đánh giá.

 

Một vấn đề bức thiết trong trong phát triển nông nghiệp được ĐB Vinh nêu ra là chính sách trợ giá cho nông dân nhưng bà con lại không được hưởng mà lại rơi vào các doanh nghiệp, như doanh nghiệp phân bón, doanh nghiệp giống.... “Mục đích của chúng ta là hỗ trợ cho bà con nhưng mục tiêu chưa đạt được. Chính phủ cần có chính sách cụ thể về vấn đề này. Cần đánh giá một cách sâu sắc xem nông nghiệp nông thôn cần phát triển như thế nào, đang đầu tư vào đâu và cần đầu tư vào đâu” - ĐB Vinh góp ý.

ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) cho biết, khi đi tiếp xúc cử tri thấy người dân đánh giá bộ mặt nông thôn đang dần đổi mới. Báo cáo của Chính phủ nêu có 8,8% số xã trên cả nước (790/9.000 xã) đạt 19/19 tiêu chí NTM nhưng số xã đó ở khu vực nào, thuộc đồng bằng hay trung du miền núi thì lại không nêu rõ. “Khi khảo sát ở các tỉnh miền núi như Yên Bài, Lào Cai... tôi thấy đời sống của bà con vùng cao còn nhiều khó khăn. Các xã vùng cao chỉ đạt 2/19 tiêu chí, những tiêu chí còn lại không biết năm nào đạt được” - ĐB Đạt lo âu.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng -  Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ: Trung Quốc vẫn âm mưu độc chiếm Biển Đông

Dù Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông của họ là không thay đổi. Điều này buộc chúng ta phải có những chuẩn bị trước về mọi mặt thật tốt, kể cả vấn đề pháp lý, ngoại giao, an ninh quốc phòng và kinh tế. Đây sẽ là cuộc đấu tranh lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai nữa với phương châm: Quyết liệt nhưng phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, mềm dẻo. Bên cạnh đó phải chuẩn bị điều kiện thật tốt để nếu có xung đột quân sự thì sẵn sàng chủ động.

ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa): Đáng lo về năng suất lao động

Có một thông tin chúng ta phải suy nghĩ và Chính phủ gần như chưa đề cập đến: Trong khảo cứu về năng suất lao động, chúng ta đứng gần cuối trên thế giới. Chính phủ cần phân tích một cách nghiêm túc về vấn đề này. Tại sao năng suất lao động của chúng ta lại thấp đến vậy? Tái cơ cấu mà năng suất vẫn thấp thì làm sao mà tái cơ cấu được? Có phải do công nghệ, chất lượng lao động, đầu tư vốn đã ảnh hưởng đến năng suất lao động?
 
ĐB Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội): Học giỏi ra trường cũng thất nghiệp

Một bộ phận rất đông sinh viên ra trường chưa có việc làm. Nguyên nhân là do chúng ta không có cơ quan dự báo và Bộ GDĐT không quản lý được việc này. Những năm vừa qua ồ ạt đào tạo ngành tài chính, ngân hàng, còn bây giờ dù sinh viên học giỏi ra trường cũng không có việc làm vì đào tạo thế là thừa. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo đại học không đáp ứng về công việc. Nên số lượng 72.000 sinh viên thất nghiệp có thể sẽ nhiều hơn nếu chúng ta không có biện pháp thích nghi.
Hải Phong - Đức Hiếu (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem