Mổ xẻ vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế: Còn ngại đề cập trách nhiệm

Hải Phong Thứ năm, ngày 02/10/2014 06:56 AM (GMT+7)
Sáng 1.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) đã nghe đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết số 10/2011 của Quốc hội trong giai đoạn 3 năm từ 2011 - 2014. Nhiều đại biểu tỏ ra chưa thật hài lòng với bản báo cáo, nhất là trong việc chỉ ra trách nhiệm cụ thể của những ngành, lĩnh vực liên quan.
Bình luận 0

Ra ngõ là gặp ngân hàng

Theo đánh giá của Đoàn giám sát của UB TVQH, nhìn tổng thể trong 3 năm thực hiện tái cơ cấu, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì. Cơ cấu kinh tế có chuyển biến khá tích cực, trong khi tỷ trọng của nông lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2011 – 2013 giảm từ 20,08% xuống còn 18,38% thì tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ tăng từ 79,92% lên 81,62% GDP. “Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn được giữ ở mức thấp nhờ kiên trì theo đuổi mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát”- Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu – Trưởng đoàn giám sát nhận định.

Nhiều thành tựu, tuy nhiên, cũng có nhiều hạn chế như tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 – 2015 không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5 – 7%), giai đoạn 2011 – 2013 tăng trưởng bình quân GDP chỉ là 5,64%, ước thực hiện giai đoạn 2011 – 2015 là 5,8%. Mô hình tăng trưởng mới chưa được định hình rõ nét. Đặc biệt, tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp trong cơ cấu GDP không thay đổi nhiều.

Thảo luận về báo cáo trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đã “làm nóng” ngay không khí khi thẳng thắn cho biết, ông kỳ vọng nhiều hơn ở bản báo cáo giám sát. “Trong quá trình tái cơ cấu, chúng ta đã xác định được thể chế nào phù hợp, thể chế nào chưa? Nếu chưa thì tại sao, còn thiếu thể chế gì mới có thể thực hiện tái cơ cấu thành công? Báo cáo giám sát nếu chưa chỉ ra được trách nhiệm của từng bộ, ngành thì cũng phải nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, địa phương đến đâu… trong những mặt được và chưa được của tiến trình tái cơ cấu”. Ông Quyền dẫn chứng: “Chẳng hạn từ Quốc hội khóa trước đã có ý kiến nhận định rằng nền kinh tế của chúng ta nhỏ bé thế mà cứ ra ngõ là gặp ngân hàng. Bây giờ, qua quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì kết quả thế nào? Báo cáo chưa thấy nêu”.

“Phải làm nổi bật kết quả giám sát và kiến nghị rõ, trong đó một nhận xét quan trọng là việc triển khai tái cơ cấu không kiên quyết” - Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhận định và phân tích luôn: Quốc hội ra nghị quyết về tái cơ cấu năm 2011, năm 2013 CP mới trình đề án, đến nay cũng mới triển khai thực hiện chưa được bao lâu. Hình như chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm, nặng nhất cũng chỉ phê bình là “chưa thể hiện quyết tâm cao”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cùng đồng tình rằng nên có báo cáo đánh giá chung, khẳng định việc tiến hành tái cơ cấu có đáp ứng được yêu cầu hay không? Độ tin cậy của số liệu trong các báo cáo ra sao, đặc biệt là kết quả xử lý nợ xấu. “Đoàn giám sát đã thẩm tra kỹ các con số chưa, hay chỉ dựa vào báo cáo của Chính phủ? Tìm hiểu thêm tại sao các nước xung quanh ta (Trung Quốc, Lào, Campuchia) có tái cơ cấu kinh tế không mà kết quả tăng trưởng vẫn tốt, đều trên 7%, lạm phát thì thấp trong khi họ cũng phải chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế như ta, thậm chí cả thiên tai, dịch bệnh?”- Phó Chủ tịch đặt câu hỏi.

“Còn dịu dịu dàng dàng”

Vào các phần kiến nghị cụ thể của bản báo cáo giám sát, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý yêu cầu xem xét lại một số kiến nghị đã chính xác chưa. Đơn cử như kiến nghị “dành 1 phần ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu” hay gỡ bỏ trần lãi suất ngân hàng”. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng đề nghị làm rõ một kiến nghị mà theo bà chưa hợp lý: “Các đồng chí đề nghị nghiên cứu, ban hành sớm Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nhưng dự án luật này vừa được rút ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật rồi”.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, báo cáo giám sát phải làm rõ hơn nữa việc “chúng ta có do dự, ngại khó trong việc cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN hay không? Tại sao chỉ tiêu về lao động lại nhiều năm không đạt, cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực? Nếu do lỗi chủ quan thì cũng phải nói rõ vào đây”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị bổ sung kiến nghị, việc quản lý điều hành phải theo quy hoạch, dứt khoát tập trung, không lan man, thêm thắt. “Đặc biệt là tại địa phương, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản lớn quá. Có vẻ là ta không kiểm soát được tình hình”- ông K’sor Phước đưa ra nhận định cá nhân.

Góp ý một cách nhẹ nhàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, bản báo cáo giám sát phải chỉ rõ, sau giám sát, Quốc hội sẽ quyết chủ trương, giải pháp gì? Từ nay 2015 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu đến đâu? “Đến 2011 – 2015 làm xong, nhưng phải đề ra kết quả cụ thể đến 2015 đạt cái gì, đến 2020 thế nào? Tái cơ cấu mới ở 3 khu vực, trong khi phải làm toàn diện, ngành, lĩnh vực, vùng, thậm chí cả sản phẩm và thị trường nữa”.

Rồi Chủ tịch Quốc hội kết luận: “Nghị quyết của Đảng còn mạnh hơn nhiều, chứ không dịu dịu dàng dàng thế này, anh Giàu ạ (Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu – Trưởng đoàn giám sát).

   Kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, sau hơn 2 năm đã phê duyệt 8/9 phương án cơ cấu lại của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. 4/5 NHTM nhà nước đã được CPH, trong đó 3 NH đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và 2 NH có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem