Tái cơ cấu ngành lúa gạo vùng ĐBSCL: Coi trọng tính cấp thiết liên kết vùng

Huỳnh Xây- Chúc Ly Thứ tư, ngày 25/06/2014 15:50 PM (GMT+7)
Ngày 24.6, tại TP.Cần Thơ, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) tổ chức Hội thảo “Tái cơ cấu ngành lúa gạo tại ĐBSCL”. Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam.
Bình luận 0

Ngành lúa gạo còn nhiều hạn chế

Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, thông tin: “Vùng ĐBSCL có nhiều ưu thế về điều kiện tự nhiên để sản xuất lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Song, ngành lúa gạo nước ta nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, xuất cạnh tranh trên thị trường thế giới chưa cao, vấn đề liên kết vùng chưa được chặt chẽ và phổ biến, áp dụng công nghệ cao còn hạn chế. Gần đây, việc đầu tư từ nước ngoài vào ngành lúa gạo nước ta đã được đẩy mạnh nhưng chưa rõ rệt”.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhìn nhận: “Lúa gạo vẫn là ngành sản xuất chính của vùng, thời gian qua sản lượng lúa gạo không ngừng tăng cao, nhiều mô hình sản xuất mới xuất hiện, điển hình là mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML).

Tuy nhiên, hiện nay ngành lúa gạo đang đứng trước nhiều khó khăn. Vấn đề thu nhập cho nông dân, đảm bảo đầu tư cho nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng tuy được quan quan tâm nhưng kết quả đạt được còn nhiều hạn chế và chưa bền vững, “điệp khúc” được mùa mất giá vẫn còn gắn với đời sống của người nông dân”.

Ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), thì cho rằng: “Trong vùng có hơn 33.000 tổ, đội, nhóm hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng phần lớn không lo được đầu ra và thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn khó khăn, ngay cả trong mô hình CĐML. Chẳng hạn, năm 2010 chúng ta ta bắt đầu làm CĐML thì tỷ lệ hợp đồng thành công giữa nông dân và doanh nghiệp là 98% nhưng đến 2013 tỷ lệ hợp đồng chỉ còn 34%”.

Đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu

Ông Jong Ha Bae - Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đề xuất: Việt Nam có thể mở rộng sản xuất các giống lúa có giá trị cao hơn, có sức cạnh tranh tranh mạnh trên thị trường xuất khẩu và có thể kỳ vọng trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Bởi hiện các nước trên thế giới vẫn có nhu cầu tiêu thụ lượng gạo lớn và ổn định”.

Theo ông, vấn đề hiện nay là đòi hỏi phải xác định được vùng sinh thái nào phù hợp để phát triển trồng cây lúa và có thể luân canh giữa cây lúa với các loại cây trồng khác. Ngoài việc tìm cách hạ giá thành sản xuất lúa thì Việt Nam cần nguyên cứu các hoạt động chống thất thoát trong thu hoạch.

Ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh: “Các địa phương cần tập trung đánh giá đầy đủ những khó khăn, hạn chế trong chính sách, chương trình hỗ trợ để từ đó đề nghị hướng khắc phục, đồng thời củng cố lại hệ thống cán bộ làm công tác quản lý và phát triển kinh tế hợp tác ở cấp tỉnh, huyện và xã. Để thực hiện việc tái cơ cấu ngành lúa gạo được thành công và đi vào thực tiễn đời sống thì các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò và vị trí của các tổ chức nông dân, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ liên kết”.

Theo báo cáo tại hội thảo, vùng ĐBSCL có khoảng 4 triệu ha diện tích đất canh tác lúa, đóng góp 80% giá trị kim ngạnh xuất khẩu gạo của cả nước. Trong 2 thập niên gần đây, sản lượng lúa của vùng luôn tăng. Cụ thể, từ 9 triệu tấn vào năm 1990 đã tăng lên gần 25 triệu tấn vào năm 2013. Mô hình CĐML, từ 7.200ha vào năm 2011 tăng lên 100.000ha vào năm 2013.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL Nguyễn Văn Sánh thì: “Vấn đề tái cơ cấu ngành lúa gạo thì phải nhìn theo cái tổng thể và nghiên cứu theo chuỗi liên kết, có chính sách quản lý, điều hành hợp lý. Theo đó, chú trọng vào việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, phân tích thị trường tiêu thụ trên thế giới. Trong quá trình triển khai thực cũng như trong đề án tái cơ cấu của từng địa phương cần tập trung vào tính cấp thiết liên kết vùng, chứ không phải mạnh địa phương nấy làm”.

Đóng góp tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Cây lương thực – Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) kiến nghị: “Việc tái cơ cấu ngành lúa gạo vùng ĐBSCL cần chú ý đến tiểu vùng sinh thái và mùa vụ. Từ đó, chúng ta sẽ đưa giống lúa xuống đồng ruộng cho phù hợp, ít bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, sâu bệnh”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem