Tái đắc cử tổng thống Pháp, ông Macron có thúc đẩy cấm vận Nga và xuất khẩu vũ khí hạng nặng cho Ukraine?

Lê Phương (Aljazeera) Thứ năm, ngày 28/04/2022 15:56 PM (GMT+7)
Các nhà phân tích cho rằng việc tái đắc cử tổng thống Pháp của ông Emmanuel Macron sẽ cho phép ông áp dụng cách tiếp cận tích cực hơn đối với cuộc xung đột Ukraine-Nga.
Bình luận 0
Tái đắc cử Tổng thống Pháp, lập trường của ông Macron đối với Nga sẽ thay đổi như thế nào? - Ảnh 1.

Ông Macron (giữa) đã hội đàm thường xuyên với ông Zelensky (trái) và ông Putin (phải) trong suốt thời gian chiến sự. Ảnh: EPA

Trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào đầu tháng này, ông Macron đã duy thì thái độ hòa hoãn, ông thường xuyên gặp gỡ các tổng thống của cả hai bên - Volodymyr Zelenksy của Ukraine và Vladimir Putin của Nga.

Mặc dù chưa thành công trong việc hòa giải, tuy nhiên những hành động này vẫn mang lại lợi thế cho ông Macron. Ông giành được 58,6% tỷ lệ ủng hộ, so với 41,5% của bà Marine Le Pen từ phe cực hữu, đối thủ chính trị chính của ông, người trước đây có quan hệ thân thiết với ông Putin.

Samuel Ramani, nhà nghiên cứu thuộc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), cho biết ông tin rằng trong thời gian tới, ông Macron sẽ biến những tuyên bố của mình thành hành động - cũng như giảm gấp đôi các nỗ lực ngoại giao với Nga.

Ông dự đoán với Al Jazeera: "Bây giờ bà Le Pen đã thua, ông Macron sẽ thúc đẩy một lệnh cấm vận năng lượng hoàn toàn, vì ông ấy đã nói rằng Pháp không phụ thuộc vào khí đốt của Nga".

Tổng thống Pháp cũng sẽ "tiếp tục các đề án viện trợ mới dựa trên việc chuyển giao pháo hạng nặng gần đây cho Ukraine và số vũ khí trị giá 106 triệu USD được gửi trong hai tháng đầu tiên của cuộc chiến".

Với việc không còn áp lực bầu cử, ông Macron "sẽ có nhiều tự do hơn trong quá trình ngoại giao với ông Putin, bên cạnh đó có thể đưa ra những chính sách cứng rắn hơn đối với Nga", ông Ramani nói thêm.

Vì Pháp hiện đang giữ chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), nên việc ông Macron tái đắc cử cũng có thể củng cố vị trí của NATO và EU chống lại Nga.

Pierluigi Paganini, một chuyên gia tình báo và an ninh mạng tại Ý nhận định: "Macron ủng hộ hội nhập EU và là một trong những nhà tài trợ chính cho chiến lược phòng thủ chung, và cuộc xung đột hiện tại là một phép thử quan trọng cho tầm nhìn của ông ấy".

"Ông Macron luôn duy trì quyền tự trị của EU, và tuyên bố rằng hoạt động của tổ chức này phải bổ sung cho quá trình bảo vệ lãnh thổ của NATO", ông nói thêm.

Cân bằng một cách tinh tế

Ông Macron đã gặp gỡ ông Putin tại Điện Kremlin vào đầu tháng 2/2022, trước khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu.

Kể từ đó, ông thường xuyên liên lạc với Tổng thống Nga, tổ chức các cuộc đàm phán kéo dài hàng giờ đồng hồ, tuy nhiên vẫn không thể thay đổi cục diện cuộc chiến.

Josephine Staron, giám đốc quan hệ quốc tế tại Synopia có trụ sở tại Paris, cho biết ông Macron sẽ không dừng các cuộc đàm phán với ông Putin trừ khi có leo thang lớn trong xung đột.

Bà nói: "Trái ngược với các quốc gia khác, ông Macron tỏ ra cẩn thận hơn và không xúc phạm ông Putin như cách Tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm".

Sự gần gũi về địa lý là một lý do khiến Pháp thận trọng. Bên cạnh đó, việc một cường quốc hạt nhân tham gia đối thoại với Nga - cũng là một thành viên hạt nhân - là một lý do khác.

"Nếu Pháp nói rằng ông Putin đã vượt qua lằn ranh đỏ, thì với tư cách là một cường quốc hạt nhân, điều đó có ý nghĩa gì đối với Pháp? Bước tiếp theo sẽ là gì?", bà Staron hỏi.

Tái đắc cử Tổng thống Pháp, lập trường của ông Macron đối với Nga sẽ thay đổi như thế nào? - Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moscow vào ngày 7 tháng 2 năm 2022, để hội đàm nhằm tìm ra giải pháp đối với Ukraine và NATO. Ảnh: AFP

Với lập trường cứng rắn hơn đối với Nga trong bối cảnh chiến sự kéo dài và mở rộng sang các khu vực lân cận, nhiều quốc gia EU và Washington đang gửi thêm vũ khí tới Ukraine.

Hôm 26/4, Đức đã bật đèn xanh cho việc chuyển giao các xe bọc thép được trang bị súng phòng không. Và tuần trước, vài ngày trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Macron cho biết Pháp đang gửi vũ khí pháo hạng nặng - pháo Caesar, tên lửa chống tăng Milan, và hàng nghìn quả đạn pháo - tới Ukraine.

Bà Staron cảnh báo rằng sự ủng hộ của EU dành cho Tổng thống Zelensky có thể bị Tổng thống Putin hiểu là "kích động một cuộc giao tranh", đồng thời cho rằng khối này nên thận trọng, đặc biệt là sau những bình luận của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 25/4 về việc xung đột có thể leo thang thành chiến tranh thế giới thứ ba.

"Có hai giải pháp", bà nói. "Hoàn toàn trung lập hoặc giúp đỡ Ukraine, nhưng dường như Pháp sẽ lựa chọn một giải pháp trung hòa cả hai yếu tố. Đó là một sự cân bằng tinh tế!"

Các lệnh cấm vận dầu khí

Nhiều người lo ngại căng thẳng gia tăng nếu các nước xung quanh buộc phải tham gia vào cuộc xung đột, chẳng hạn như vụ đánh bom được cho là gần đây nhằm vào khu vực Transnistria do Nga hậu thuẫn ở Moldova.

Mỹ trước đó cảnh báo rằng các lực lượng Nga có thể tiến hành các hoạt động "cờ giả" để tạo cớ triển khai chiến dịch quân sự tại các quốc gia khác - cáo buộc này sau đó bị Moscow bác bỏ.

Nếu xung đột mở rộng, EU cuối cùng có thể sẽ phải chấp nhận điều mà ông Zelenksy đã yêu cầu trong nhiều tháng: Một lệnh cấm vận dầu khí.

Hôm 27/4, tranh chấp về khí đốt bùng nổ khi tập đoàn Gazprom của Nga cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria, nói rằng hai quốc gia đã không thanh toán bằng đồng rúp - một động thái mà Moscow yêu cầu sau khi bị phương Tây trừng phạt.

Mặc dù Pháp ít phụ thuộc vào khí đốt từ Nga hơn nhiều so với các nước châu Âu khác, nhưng việc đóng cửa các đường ống dẫn năng lượng cũng sẽ để lại hậu quả không nhỏ với quốc gia này.

Hơn nữa, hậu quả của lệnh cấm vận dầu mỏ có thể sẽ gây ra suy thoái ở châu Âu, ông Paganini cho biết.

Ông nói: "Mặc dù Mỹ, EU, Anh và các nước khác đã trừng phạt Nga, nhưng doanh thu xuất khẩu của Nga kể từ khi bắt đầu chiến dịch vẫn không hề giảm. Ngay cả khi các chính phủ châu Âu đồng ý ngừng nhập khẩu than của Nga bắt đầu từ tháng 8/2022 thì vẫn chưa đủ. Giá dầu sẽ tăng trên quy mô toàn cầu".

Ông nói thêm, việc sử dụng các nguồn cung cấp dầu thay thế từ Trung Đông và châu Phi sẽ mất nhiều thời gian, do đó buộc các nước châu Âu phải áp dụng chính sách năng lượng "thắt lưng buộc bụng".

Với những rủi ro này, EU khó có thể đạt được một thỏa thuận tổng thể về các biện pháp cấm vận như vậy, đặc biệt khi một số quốc gia có thể chịu ảnh hưởng nặng nề.

"Lệnh cấm vận dầu khí của Pháp sẽ là một bước tiến quan trọng nhằm cô lập Nga, nhưng chừng nào các cường quốc khác như Đức và Ý còn dao động và các nước nhỏ hơn, như Hungary, không thể chịu được lệnh cấm vận này, thì sự đồng thuận của EU gần như là không thể", ông Ramani nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem