Phân tích: Quan điểm của Thụy Sĩ liệu có thay đổi sau chiến sự Nga - Ukraine?
Phân tích: Quan điểm của Thụy Sĩ liệu có thay đổi sau chiến sự Nga - Ukraine?
Lê Phương (DW)
Thứ năm, ngày 28/04/2022 09:02 AM (GMT+7)
Thụy Sĩ đã từ chối hai yêu cầu của Đức về việc tái xuất khẩu đạn dược do nước này sản xuất cho Ukraine. Động thái này đã gây ra một cuộc tranh luận về nguyên tắc trung lập của Thụy Sĩ.
Tổng cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), cơ quan có thẩm quyền cuối cùng về việc cấp và ký giấy phép xuất khẩu vũ khí, xác nhận rằng các nhà chức trách Đức đã tiếp cận họ để hỏi về việc tái xuất khẩu đạn dược cho Ukraine. Nhiều nguồn tin cho rằng loại đạn được đề cập là dành cho xe bộ binh do Đức sản xuất.
"Chúng tôi đã từ chối cả hai yêu cầu của Đức về việc chuyển giao đạn dược cho Ukraine do sự trung lập của Thụy Sĩ và các tiêu chí từ chối bắt buộc của đạo luật tài liệu chiến tranh", phát ngôn viên truyền thông SECO, Michael Wüthrich trả lời DW thông qua e-mail.
Các quy tắc nghiêm ngặt đối với xuất khẩu vũ khí
Đối với việc xuất khẩu bất kỳ loại trang thiết bị chiến tranh nào, Thụy Sĩ thường yêu cầu cam kết không tái xuất khẩu từ quốc gia tiếp nhận. Đây là một thông lệ được quốc tế công nhận.
Giấy phép xuất khẩu sẽ không được cấp nếu nước tiếp nhận có liên quan đến xung đột vũ trang nội bộ hoặc quốc tế.
"Ukraine có liên quan đến một cuộc xung đột như vậy với Nga. Do đó, việc xuất khẩu trang thiết bị từ Thụy Sĩ sang Ukraine sẽ không đủ điều kiện để được cấp giấy phép, ngoài ra Lực lượng vũ trang Đức cũng không được phép chuyển giao đạn dược đã nhận trước đó có xuất xứ từ Thụy Sĩ sang Ukraine", ông Wüthrich cho biết.
Nguyên tắc trung lập
Trung lập là một nguyên tắc chính trong chính sách an ninh và đối ngoại của Thụy Sĩ. Điều đó có nghĩa là quốc gia này không thể tham gia vào một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia khác, cũng như không thể cung cấp hỗ trợ quân sự gián tiếp cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột.
Luật trong nước ở Thụy Sĩ liên quan đến xuất khẩu vũ khí và các nguyên tắc chính sách đối ngoại dựa trên Đạo luật tài liệu chiến tranh của Thụy Sĩ, trong đó "kiểm soát việc sản xuất và chuyển giao trang thiết bị phục vụ chiến sự và công nghệ liên quan, đồng thời duy trì năng lực công nghiệp phù hợp với các yêu cầu phòng thủ của quốc gia".
Trong trường hợp cụ thể đối với Ukraine, cả nghĩa vụ quốc tế và các nguyên tắc chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ sẽ bị tổn hại.
Jean-Marc Rickli, người đứng đầu bộ phận chuyên gia tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva, nói với DW: "Từ góc độ pháp lý, quyết định của chính phủ là hợp lý. Với tính trung lập của Thụy Sĩ, việc đồng ý xuất khẩu sẽ vi phạm luật pháp quốc tế cũng như luật nội địa của Thụy Sĩ".
Quyết định này không được đồng ý bởi Gerhard Pfister, chủ tịch đảng Trung tâm cánh hữu. Ông nói trên Twitter rằng chính phủ có thể viện dẫn điều 184.3 của Hiến pháp để bỏ qua luật. Chẳng hạn như trong trường hợp này, luật sẽ đề cập đến việc giúp một quốc gia dân chủ châu Âu tự vệ.
Laurent Goetschel, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Basel và là giám đốc của Swisspeace, một viện nghiên cứu hòa bình theo định hướng thực hành, nói rằng tình hình hiện tại của chiến sự khiến tính trung lập của Thụy Sĩ càng trở nên quan trọng hơn.
"Chiến tranh càng gần thì tính trung lập càng tỏ rõ vai trò của mình. Ngoại lệ duy nhất là khi một trong các bên tham chiến thay mặt cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Khi đó, hành động này sẽ được coi như động thái tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc", ông nói với DW.
Gõ cửa NATO?
Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra những thay đổi đáng kể về quan điểm của nhiều quốc gia, đặc biệt là Đức. Kể từ sau xung đột, nước này đã thay đổi chính sách đối ngoại của mình với cam kết tăng cường chi tiêu quốc phòng và chi ra tới 107 tỷ USD cho Bundeswehr, lực lượng vũ trang Đức.
Ở Thụy Điển và Phần Lan, cả hai nước cũng đều tuân theo nguyên tắc trung lập, sự thay đổi được cho là thậm chí còn rõ ràng hơn. Được dư luận ủng hộ, có lẽ việc hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO chỉ là sớm hay muộn.
Trong khi đó ở Thụy Sĩ, tranh luận hầu như không tồn tại. Gần đây, có một số phong trào từ các chính trị gia thuộc các đảng cánh tả và cánh hữu, những người đang kêu gọi tăng cường hợp tác với NATO. Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy Thụy Sĩ có bất kỳ ý định tham gia liên minh nào.
"Tình hình địa chiến lược rất khác nhau. Thụy Sĩ và Áo được bao quanh bởi các thành viên NATO. Ngoài ra, tính trung lập ở Thụy Sĩ ngoài chức năng chính sách an ninh, còn có chức năng nhận dạng. Ở nước này có nhiều ngôn ngữ khác nhau, tôn giáo khác nhau. Bản sắc chính trị của người Thụy Sĩ xoay quanh dân chủ trực tiếp, chủ nghĩa liên bang và trung lập", ông Rickli nói.
Tóm lại, Thụy Sĩ sẽ phải từ bỏ nguyên tắc trung lập vĩnh viễn nếu muốn gia nhập NATO.
Rickli nói rằng mặc dù tâm trạng của người dân và chính quyền đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine, nhưng điều này không rõ ràng như những gì đang xảy ra ở Thụy Điển và Phần Lan.
"Dường như tính trung lập của Thụy Sĩ vẫn còn rất cao. Từ góc độ chính sách an ninh, các luồng ý kiến đang bắt đầu thay đổi, nhưng không đến mức thay đổi như ở Phần Lan hay Thụy Điển", ông kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.