Tái đàn lợn, Bộ trưởng NNPTNT đề nghị doanh nghiệp làm "hạt nhân"

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 27/12/2019 14:30 PM (GMT+7)
Sáng 26/12, tại hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, các doanh nghiệp sẽ phải trở thành “hạt nhân” trong việc tái đàn, chăn nuôi an toàn sinh học.
Bình luận 0

Nhiều nơi đang tái đàn hiệu quả 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được kéo giảm tới mức xuống thấp nhất. Dự báo hết tháng 12/2019, số lợn buộc tiêu hủy là khoảng 40.000 con, giảm 74% so với tháng 11/2019 và giảm 97% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm dịch bệnh, cả nước buộc phải tiêu hủy tới hơn 1,27 triệu con lợn).

Ngay khi dịch bệnh xảy ra, trước nguy cơ thiếu thực phẩm, Bộ NNPTNT đã chủ động phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn và thủy sản, do vậy tổng sản lượng các loại thực phẩm trong năm 2019 đã tăng hơn 726.000 tấn so với năm 2018.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhìn nhận, sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi và gián tiếp do chưa tái đàn).

img

img

 Hiện ở nhiều nơi đã có sản phẩm thịt lợn từ quá trình tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hải Đăng

"Về giá lợn, đề nghị các doanh nghiệp thống nhất cùng nhau tham gia bình ổn giá theo tinh thần phát triển bền vững, lấy mở rộng thị trường xuất khẩu làm mũi nhọn sản xuất trong tương lai chứ không chỉ “ăn” mỗi dịp Tết Canh Tý”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Theo số liệu của Cục Thú y, tổng đầu lợn cả nước hiện còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; các doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện còn khoảng 109.000 con (90%); do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.

Nhiều địa phương đã chỉ đạo tái đàn lợn có kết quả tốt như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai... Cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học.

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, đến nay tỉnh đã có 221 xã qua 30 ngày không có dịch tả lợn châu Phi. Trên địa bàn tỉnh duy trì 2 cơ sở cung cấp giống gốc để cung ứng con giống cho các hộ đủ điều kiện tái đàn, nhờ đó đến nay Bắc Giang đã có 63.000 lợn nái, 900.000 lợn thịt. Dự kiến đến tháng 6/2020 Bắc Giang sẽ có trên 1,1 triệu con lợn. Riêng dịp Tết Nguyên đán, người chăn nuôi trong tỉnh sẽ cung ứng 37.000 - 38.000 tấn thịt các loại.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cho biết, kiểm đếm trong từng hộ dân vào tháng 8/2019, toàn tỉnh có tổng số 167.000 con lợn thịt, trọng lượng gần 14.000 tấn; đàn gia cầm tăng 14,6%, thuỷ sản tăng 10%. Với tình hình này Nam Định không thiếu thịt nhưng giá sẽ vẫn tăng.

Đề nghị doanh nghiệp lớn bắt tay làm chuỗi

Chia sẻ thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuế - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, Dabaco vẫn luôn bán lợn hơi với giá thấp hơn thị trường và đang cùng với một số doanh nghiệp lớn khác như C.P tham gia bình ổn giá. Hiện C.P có đàn lợn thịt 230.000 con, lợn nái tăng 7%.

Đại diện Masan thì đề nghị Bộ NNPTNT đứng ra kết nối các công ty, doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi như C.P, Dabaco với doanh nghiệp chế biến để hình thành các chuỗi. Nếu có chuỗi này, giá thịt lợn ngoài chợ sẽ khó nhảy vọt lên 200.000 đồng/kg như hiện nay mà có thể thấp hơn, cũng như không xảy ra tình trạng găm hàng, thổi giá.

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nói: Nếu các doanh nghiệp lớn như C.P, Masan, Mavin, Green Feed, Dabaco cùng bắt tay nhau làm ăn theo chuỗi thì sẽ không có chuyện giá lợn hơi tăng phi mã như hiện nay. Nguồn cung để phục vụ tái lợn hiện tương đối dồi dào, nhiều nơi đã có sản phẩm tái đàn và sau tháng 1 đàn lợn sẽ tăng lên rõ rệt, thời gian tới giá chắc chắn sẽ bớt nóng.

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Ngành thịt lợn trong thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào chuỗi như Công ty C.P, Masan… “Trong tái đàn chăn nuôi, doanh nghiệp là “hạt nhân” với vai trò vừa là người dẫn dắt giá, vừa là nơi cung cấp con giống, quy trình kỹ thuật an toàn sinh học. Hiện 109.000 con giống cụ kỵ và 2,7 triệu lợn nái tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, có vai trò quyết định đến chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và an toàn” - Bộ trưởng nêu rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem