Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Giá lợn hơi giảm nhiệt, cuối năm cung - cầu thịt lợn sẽ gặp nhau
Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Giá lợn hơi giảm nhiệt, cuối năm cung - cầu thịt lợn sẽ gặp nhau
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 04/08/2020 09:48 AM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến (ảnh), với tình hình tái đàn lợn mạnh như hiện nay, cuối năm nay, cung - cầu thịt lợn sẽ gặp nhau và có thể cân bằng.
Một giải pháp mang tính quyết định để bình ổn giá thịt lợn Bộ NNPTNT đưa ra là tăng đàn lợn an toàn trên cơ sở an toàn sinh học. Xin Thứ trưởng cho biết, công tác tái đàn lợn ở các địa phương hiện nay ra sao?
- Muốn giảm giá thịt lợn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Bộ NNPTNT xác định phải làm tốt công tác phòng chống dịch, đồng thời thực hiện tái đàn một cách an toàn theo hướng an toàn sinh học.
Đúng là thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi có tái bùng phát ở một số địa phương nhưng rất may đều là những ổ dịch quy mô nhỏ lẻ. Nhờ làm tốt công tác an toàn sinh học, đến nay, 97 - 99% số xã có dịch tả lợn châu Phi đã qua 2 ngày không tái phát bệnh.
Trong bối cảnh dịch đang tái phát mạnh tại Trung Quốc với những trại quy mô cả vạn con thì chúng ta khống chế được dịch ở mức này là một cố gắng của lực lượng thú y, các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Có thể thấy, các địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đây là cơ sở rất quan trọng để tăng đàn, tái đàn lợn. Trong quá trình chống dịch, Bộ NNPTNT cũng đã có những đánh giá, tổng kết các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
Tổng sản phẩm thực phẩm tăng đáng kể
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tái phát tại Đà Nẵng và nhiều địa phương khác, để đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cuối năm 2019, chúng ta đã tăng được 430.000 tấn thủy sản, 336.000 tấn sản phẩm chăn nuôi, hơn 13 tỷ quả trứng và hơn triệu tấn sữa. Tổng sản phẩm thực phẩm đã tăng hơn 766.000 tấn và đến nay với sức sản xuất còn đang gia tăng, sẽ đủ để cung ứng cho nhu cầu nội địa và phục vụ xuất khẩu.
Cụ thể, tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy trình an toàn sinh học thậm chí còn được nâng lên thành an ninh sinh học, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm trong trại tuân thủ nghiêm quy định nội bất xuất, ngoại bất nhập, cách ly đủ thời gian; hệ thống lưới, rào ngăn chuột, chim, côn trùng mang nguồn bệnh cũng được dựng lên quanh trại.
Chính vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp đều bảo toàn được đàn lợn, dịch bệnh khó xảy ra do quy trình chăn nuôi rất nghiêm ngặt.
Trong khi các doanh nghiệp vẫn bảo toàn được đàn lợn, hoặc thiệt hại không đáng kể thì bộ phận chăn nuôi nông hộ đã chịu ảnh hưởng khá lớn bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ hiện rất dè dặt tái đàn. Bộ NNPTNT có giải pháp gì để bộ phận nông hộ tái đàn an toàn?
- Trong quá trình phòng chống dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi thấy có nhiều mô hình ứng dụng các chế phẩm sinh học rất hiệu quả.
Ví dụ, mô hình chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm, họ chăn nuôi hoàn toàn tự nhiên, không phụ thuộc vào một quy trình kiểm soát vào ra nghiêm ngặt nhưng đàn lợn vẫn rất khỏe mạnh, miễn nhiễm với dịch tả lợn châu Phi.
Hay mô hình sử dụng chế phẩm sinh học của Amavet tại Đồng Nai cũng rất hiệu quả, đến thời điểm này vẫn giữ được trại lợn giống.
Qua những mô hình như thế này, chúng tôi đã tìm ra hướng đi cho các gia trại, trang trại nhỏ lẻ, đó là sản xuất thịt lợn an toàn bằng hệ thống chăn nuôi khép kín.
Đa dạng nguồn thực phẩm thay thịt lợn
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tốc độ tăng đàn lợn của các địa phương hiện nay, bao giờ cung - cầu thịt lợn mới đảm bảo cân bằng?
- Phải khẳng định, bằng nhiều nỗ lực, chúng ta đã có nhiều bước tiến trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Tuy chúng ta chưa sản xuất được vaccine phòng chống dịch nhưng cũng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận để khống chế dịch như nghiên cứu ra bộ kit phát hiện sớm bệnh, đặc điểm dịch tễ virus, xử lý môi trường để cắt đứt nguồn lây; nghiên cứu các dòng lợn có sức miễn kháng...
Các doanh nghiệp, viện nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nghiên cứu vaccine và có những tiến triển nhất định.
Đây chính là màng chắn khá hữu ích để Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tăng tốc trong tái đàn.
Theo báo cáo từ các địa phương đến cuối tháng 6/2020, tổng đàn lợn đạt 24,9 triệu con, trong đó có hơn 2,8 triệu con nái; 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn có tốc độ tăng đàn 66,35%, cả nước khoảng 5%. Tính đến thời điểm này, tổng đàn bằng 85% so với cuối năm 2018.
Nhưng cũng phải nói rõ, việc tái đàn và đảm bảo cung - cầu cần có thời gian vì đàn lợn cần có chu kỳ sinh trưởng của nó. Từ tháng 5 đến tháng 9/2019, chúng ta phải liên tục tiêu hủy lợn với số lượng lớn, lên đến hàng triệu con.
Thời điểm đó, để đảm bảo việc bao vây, dập dịch, cắt đứt nguồn lây, hầu như không cơ sở, doanh nghiệp nào dám cho phối giống. Đến khoảng tháng 9-10/2019 mới bắt đầu khởi động lại và đến đầu năm 2020 mới có lợn giống.
Cũng phải mất 6 tháng sau khi có lợn giống thì thị trường mới có sản phẩm từ việc tăng đàn này. Chúng tôi dự kiến cuối năm nay "cung - cầu" về thịt lợn mới có thể cân bằng.
Thời gian qua, để giảm áp lực cho thị trường thịt lợn, Bộ NNPTNT đã thực hiện giải pháp nhập khẩu thịt lợn đông lạnh và lợn sống. Việc tăng cường nhập khẩu thịt lợn có giảm áp lực cho thị trường không, thưa ông?
- Hiện, không có quota cho việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cũng hết sức tạo điều kiện để việc thông quan được thuận lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng đàn lợn toàn cầu giảm tới 12% do dịch bệnh thì việc nhập thịt lợn cũng không hề đơn giản.
Chỉ tính riêng Trung Quốc, họ giảm hơn 50% tổng đàn, để đảm bảo nguồn cung trong nước và đảm bảo bình ổn giá, họ cũng phải đặt trước các hợp đồng 3 - 5 tháng với giá cao nên tìm được nguồn hàng phù hợp với chúng ta cũng rất khó khăn.
Tuy nhiên, với sự nhanh nhạy của doanh nghiệp cùng sự vào cuộc của các Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, chúng ta đã nhập được hơn 93.000 tấn thịt lợn. Về lợn sống, chúng ta cũng đã đàm phán với Thái Lan nhập được 70.000 con.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, hiện giá thịt lợn đã hạ còn 78.000- 88.000 đồng/kg, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 cũng giảm đáng kể so với tháng 1/2020. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận nỗ lực này của Bộ NNPTNT.
Bên cạnh đó, để đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo quyết liệt việc tăng các sản phẩm thủy hải sản, gia cầm, đại gia súc… Việc này đã phần nào đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường khi có sự thiếu hụt về thịt lợn, nhất là thời điểm cuối năm 2019, thị trường thực phẩm không có sự xáo động lớn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Khó nhập khẩu thịt lợn do thiếu nguồn cung
Theo báo cáo Bộ NNPTNT, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu hơn 67 nghìn tấn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, tăng 63% so với năm 2018 khi có chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tính đến hết ngày 30/5/2020, có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt lợn từ các nước vào Việt Nam với tổng lượng thịt lợn nhập khẩu hơn 67.638 tấn, tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Braxin, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Liên bang Nga.
Về lợn giống, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 7.700 con lợn giống, tăng hơn 300% so với tổng số lợn giống nhập khẩu năm 2019. Nhập khẩu thịt lợn được cho là bài toán cuối cùng nhằm đa dạng hóa nguồn cung, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và kéo giá thịt lợn neo cao trong suốt một thời gian dài vừa qua.
Tuy nhiên, Bộ NNPTNT cho hay, việc nhập khẩu thịt lợn thời điểm hiện nay gặp nhiều khó khăn.
P.V
Tin cùng chủ đề: Thông tin mới nhất về giá lợn hơi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.