Tài sản CSGT trưng dụng bị hỏng thì xử lý thế nào?

Thứ tư, ngày 17/02/2016 07:28 AM (GMT+7)
"Khi được trưng dụng phương tiện giao thông, tài sản trong một số trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia… người dân nên có trách nhiệm hơn với xã hội", Đại tá Trần Sơn nói.
Bình luận 0

Thông tư 01 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15.2 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát giao thông chính thức có hiệu lực, sau khi ban hành quy định này đã gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Theo thông tư này quy định, CSGT được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.

Để rộng đường dư luận, về việc CSGT được quyền trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc… của cá nhân và người điều khiển, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý TNGT, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt về những vấn đề này.

img

Qua trao đổi, Đại tá Trần Sơn cho rằng: “Theo tôi chúng ta nên dùng từ “huy động” phương tiện, tài sản thay cho từ “trưng dụng” thì sẽ khiến cho người dân dễ hiểu hơn. CSGT chỉ được trưng dụng phương tiện giao thông, tài sản của người khác trong một số trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn thiệt hại cho xã hội đang và chưa xảy ra, khi phương tiện của CSGT “thiếu” hoặc không đủ để đáp ứng”.

Đại tá Trần Sơn cho biết thêm: “CSGT cũng được trưng dụng phương tiện trong trường hợp cấp thiết, cấp bách như cứu người bị TNGT ở những trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà không đủ điều kiện cứu chữa. Hoặc quá trình bắt tội phạm truy nã, tội phạm gây án bỏ chạy mà không đủ phương tiện thì CSGT có thể huy động phương tiện của người tham gia giao thông để phục vụ nhiệm vụ đó chứ không phải trưng dụng trong tất cả các trường hợp.

img

Nói về việc sử dụng phương tiện của người khác gây ra hỏng hóc, gây thiệt hại đến tài sản, Đại tá Trần Sơn cho hay: “CSGT khi sử dụng phương tiện giao thông, tài sản của người dân phải có trách nhiệm với phương tiện và chủ nhân của phương tiện đó (Ví dụ: khi sử dụng phương tiện, CSGT nên đổ xăng vào phương tiện đó rồi mới trao trả lại cho chủ nhân)”.

“Trong trường hợp cấp bách, CSGT trưng dụng phương tiện, tài sản của người khác, nếu người nào đó không để cho lực lượng CSGT trưng dụng mà để cho hậu quả tăng thêm, xảy ra nghiêm trọng hơn do hành vi của mình không cho trưng dụng mà dẫn đến hậu quả xấu hơn thì người đó đã vi phạm pháp luật. Người dân cũng nên hiểu và có trách nhiệm hơn với xã hội.

"Một xe ô tô được huy động trực tiếp lái xe để cấp cứu người bị tai nạn giao thông mà chủ nhân phương tiện không đồng ý, sau đó vì không được đưa đi cấp cứu kịp thời mà bị nặng thêm hoặc có thể bị chết thì người chủ nhân phương tiện còn có thể bị xử lý hình sự", Đại tá Trần Sơn chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp cũng cho biết, muốn biết Thông tư 01 khả thi hay vượt quá thẩm quyền thì phải xác minh, xem xét đa chiều từ nhiều bên liên quan. Khi có kết luận về tính pháp lý có hợp hiến, hợp pháp của thông tư mới có thể khẳng định được.

Thế Anh (Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem