Tại sao kẻ cướp ngân hàng thường chọn chi nhánh để ra tay?

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 28/09/2017 15:00 PM (GMT+7)
“Qua các vụ cướp ngân hàng đã xảy ra, có thể thấy đặc điểm của loại tội phạm này là chúng không cướp ở trụ sở lớn, không cướp số tiền lớn, vì như thế rất khó thực hiện nên chúng thực hiện việc cướp nhỏ. Hành vi của các đối tượng rất manh động, nhưng đã tính toán rất kỹ”, đại tá, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn nói khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

img

Cảnh đối tượng cướp ngân hàng ở Vĩnh Long được camera ghi lại.

Kẻ cướp lợi dụng sự sơ hở

Ngày 28.9, trao đổi với PV Dân Việt, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết, Cục đã cử lực lượng phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Long để truy bắt đối tượng cướp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) - chi nhánh KCN Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) xảy ra chiều 27.9.

Phân tích về các vụ cướp ngân hàng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, đại tá, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn (Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an) cho biết: Đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng tại các trụ sở nơi trung tâm đông đúc rất hiếm khi xảy ra. Còn thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ cướp ngân hàng ở những chi nhánh nằm ở thị trấn, huyện lỵ nơi không có đông người đến giao dịch.

img

Vụ cướp ngân hàng tại Trà Vinh hồi tháng 4.2017 được camera ghi lại.

“Tại sao vậy? Vì ở những địa bàn trung tâm thành phố, trụ sở ngân hàng lớn thường được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Từ hệ thống camera quan sát, đến lực lượng bảo vệ chuyên trách được bố trí đầy đủ, tinh thần cảnh giác, phương án xử lý tình huống đều có… Còn những chi nhánh ngân hàng không phải ở trung tâm, người có trách nhiệm tại đây thường có tâm lý chủ quan nghĩ sẽ không có cướp nên công tác phòng ngừa lơ là; từ phương tiện quan sát, lực lượng bảo vệ, cách thức phòng bị, cách thức xử lý tình huống khi xảy ra không được quan tâm đúng mức”, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn nói.

Vẫn theo đại tá Thìn, đối tượng muốn thực hiện hành vi cướp ngân hàng, chúng đã nghiên cứu, tìm hiểu những nơi có sự lơ là, mất cảnh giác để thực hiện hành vi.

“Chúng sẽ quan sát, nghiên cứu về quy luật hoạt động của chi nhánh ngân hàng đó, địa hình thế nào, giờ mở cửa, giờ đóng cửa, chỗ nào có thể tiếp cận được, chỗ nào có thể khống chế được nhân viên dễ nhất, lấy được tiền nhanh nhất và tẩu thoát nhanh nhất. Những vụ cướp ở các chi nhánh ngân hàng vừa qua, kẻ phạm tội không cần có đồng bọn, đối tượng chỉ mất có vài phút để lấy tiền và dễ dàng tẩu thoát. Qua các vụ cướp ngân hàng đã xảy ra, có thể thấy đặc điểm của loại tội phạm này là chúng không cướp ở trụ sở lớn, không cướp số tiền lớn, vì như thế rất khó thực hiện nên chúng thực hiện việc cướp nhỏ. Hành vi của các đối tượng manh động, nhưng đã tính toán rất kỹ”, đại tá Thìn phân tích.

Đối tượng phạm tội thường cờ bạc, nợ nần

Theo đại tá Thìn, ở đâu cũng có thể xảy ra tội phạm, nhất là ở nơi tập trung nguồn tiền, nguồn tài sản, đối tượng xấu thường tìm đến để thực hiện hành vi phạm tội. Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, điều quan trọng nhất là phải luôn cảnh giác, đối với các ngân hàng, tiệm vàng cần được bảo vệ chặt chẽ hơn; phải lên sơ đồ bảo vệ, từ chỗ giao dịch, chỗ để tiền; khi có tình huống nhân viên tránh chỗ nào, báo động thế nào.

“Việc phòng ngừa chặt chẽ, đối tượng muốn cướp khi nghiên cứu thấy không có sơ hở, chúng sẽ không dám thực hiện hành vi”, đại tá Thìn nhấn mạnh.

Từ hoạt động thực tiễn qua các chuyên án được phá, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết thêm: Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ án cướp ngân hàng nghiêm trọng, qua điều tra, các đối tượng phạm tội đều cờ bạc, nợ nần, lâm vào đường cùng nên liều lĩnh đi cướp.

Thiếu tướng Tiến dẫn chứng vụ cướp ngân hàng ở Huế, đối tượng phạm tội là do nợ nần từ cá độ bóng đá, sa lưới sau 11 ngày gây án. Vụ ở Trà Vinh cũng có nguyên nhân tương tự, hung thủ sa lưới sau 10 ngày gây án. Các đối tượng đều ra tay rất manh động. 

- Ngày 26.4, một tên cướp đã xông vào Ngân hàng Vietcombank chi nhánh thị xã Duyên Hải (Trà Vinh) rồi cầm súng đe doạ các nhân viên và cướp 1,580 tỷ đồng và 35.900USD.

- Ngày 2.3, Phan Văn Hoàng (SN 1992, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) thủ sẵn dao inox cán gỗ dài 20cm, rồi đến chi nhánh ngân hàng trên đường Ngô Quyền (Đà Nẵng) để quan sát. Sau đó đối tượng đe dọa nhân viên, lấy 50 triệu đồng.

- Ngày 6.12.2016, tại Phòng giao dịch Thành Nội của Ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên - Huế xảy ra vụ cướp ngân hàng táo tợn. Khi các nhân viên ngân hàng đang kiểm đếm tiền, một đối tượng bịt khẩu trang đã mang súng bắn bi xông vào khống chế nhân viên rồi cướp đi 725 triệu đồng tiền mặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem