TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết: Tôi không ủng hộ quan điểm huy động vàng được đưa ra trong thời gian gần đây. Nhiệm kỳ trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tách vàng ra khỏi lưu thông, coi vàng là tài sản, không phải công cụ tín dụng và không đem gửi vàng vào ngân hàng để lấy lãi suất vì như vậy sẽ làm cho tăng tính vàng hóa.
Thị trường vàng đã dậy sóng trở lại trong thời gian gần đây khi đạt mức 40 triệu đồng/lượng và dần hội tụ về với giá vàng thế giới. Nếu muốn người dân giảm giữ vàng thì phải tạo được nền kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất cao có lợi thì người dân sẽ bán vàng ra để gửi tiền vào ngân hàng.
“Ai thích giữ vàng thì mua, và chỉ có một thứ duy nhất gửi vào ngân hàng có lãi là tiền Việt Nam đồng”, TS Thành nhấn mạnh.
“Chính sách huy động vàng nếu được thực hiện ngay từ đầu thì người dân thấy bình thường, bây giờ bỗng dưng lại thay đổi gây ra nhiều quan điểm khác nhau. Bài học trước đây đã dẫn tới hiện tượng vàng hóa, đô la hóa nên rất mệt mỏi để giải quyết nhưng không hiểu sao giờ này người ta lại muốn đi lại vào “vết xe đổ”. Một số người còn đề xuất chính sách như đánh thuế người gửi vàng tôi cho rằng không phù hợp”, ông Thành nói.
Cùng chung nhận định trên, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KHĐT cho biết, ngân sách chưa năm nào căng thẳng như năm nay, thu không đủ chi, trong khi nợ vẫn 25-26%. “Tư duy điều hành tăng trưởng hình như không thay đổi. Khi thấy tăng trưởng kinh tế giảm xuống thì lại gồng mình lên để bơm vốn mà không chú ý đến hiệu quả chất lượng tăng trưởng”, ông Bích Hồ nói.
TS. Bích Hồ cho rằng, tư duy này rất cần phải xem xét. Để có tăng trưởng 6,7% thì phải tăng tín dụng lên 20%, nếu sử dụng được tốt khoản tăng tín dụng thì không sao, ngược lại cứ bơm tiền ra mà không hiệu quả thì còn rơi vào tình cảnh khó khăn hơn nữa.
Gần đây, “bí quá” lại nói tới câu chuyện huy động vàng. “Tôi không đồng ý cách huy động vàng, sau đó lập sàn vàng rồi lại buôn bán vàng…Nếu thực hiện thì coi như chúng ta đã làm tiêu tan thành quả giải quyết hậu quả vàng hóa, đô la hóa trong mấy năm nay khi thực hiện tái cơ cấu kinh tế”, ông Bích Hồ nói.
Theo ông Bích Hồ, nếu để huy động vàng và huy động vốn trong nhân dân thì nên huy động bằng cách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, kích thích hơn để người dân tự bỏ tiền ra đầu tư. Khi người dân chưa tin thì làm sao huy động được, trong khi vàng vốn là thứ người ta tìm tới để “trú ẩn” khi có những rủi ro trong cuộc sống.
Trước đó, theo dự báo của các cơ quan chức năng, hiện người dân Việt Nam giữ khoảng 500 tấn vàng. Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu xem xét vấn đề nguồn lực trong dân, bao gồm cả tiền và vàng, tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.