Giáo viên mong có định hướng đánh giá đầu ra môn học chương trình giáo dục phổ thông mới

Tào Nga Thứ hai, ngày 20/02/2023 10:33 AM (GMT+7)
"Mong muốn của tôi và của tất cả giáo viên là Bộ GDĐT sớm nhất có dự thảo hoặc định hướng về đánh giá đầu ra của môn học, như vậy giáo viên đứng lớp sẽ tự tin hơn, vững vàng hơn về những cách mình đang làm", cô Tô Lan Hương, giáo viên Ngữ văn chia sẻ.
Bình luận 0

Chương trình giáo dục phổ thông mới là sự lột xác

20 năm dạy môn Ngữ văn, cô Tô Lan Hương, giáo viên Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) chia sẻ: "Chương trình giáo dục phổ thông mới là sự lột xác, thay đổi tư duy. Môn Văn thay đổi lớn về học và thi. Học sinh không kỳ cọc ngồi học thuộc và cảm nhận tác phẩm từ lớp 6-12 mà được học cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết. 

Giáo viên mong có định hướng đánh giá đầu ra môn học chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh 1.

Cô Tô Lan Hương. Ảnh: NSS

Tuy nhiên, do chương trình mới nên giáo viên hoang mang, học sinh và phụ huynh cũng hoang mang. Trước đây, học sinh được học 5 tác phẩm, giáo viên ôn tập theo 5 tác phẩm ấy. Khi kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, thi cũng 5 tác phẩm, rõ ràng kết quả trả ra sẽ khác. Bây giờ giáo viên sẽ dạy cho học sinh cách đọc, cách nghe, cách nói, cách viết và khi đánh giá, ngữ liệu không trong sách giáo khoa. Như vậy, ngữ liệu giáo viên dạy chỉ như một tham khảo, làm sáng tỏ cho kỹ năng đọc thể loại còn học sinh sẽ phải "chiến đấu" với một tác phẩm mới tinh. Vì thế, học sinh thấy khó và hoang mang ở lớp 10, nhưng sang lớp 11 sẽ không còn sự hoang mang đó nữa. Đó là sự thay đổi rất lớn. Đương nhiên điểm số của học sinh sẽ không ở mức an toàn nhiều như năm trước.

Cái khó của giáo viên khi triển khai chương trình 2018 là tổ chức phương pháp. Đối với các môn khoa học tự nhiên còn có thực hành hỗ trợ, còn môn Văn để tổ chức các hoạt động cho học sinh, làm thế nào cho mới, cho cuốn hút là không dễ. Soạn giáo án mặc dù số chữ ít hơn nhưng thời gian bỏ ra rất nhiều. 

Còn về kiểm tra, đánh giá, mong muốn của tôi và của tất cả giáo viên là Bộ GDĐT sớm nhất có dự thảo hoặc định hướng về đánh giá đầu ra của môn học, như vậy giáo viên đứng lớp sẽ tự tin hơn, vững vàng hơn về những cách mình đang làm".

Thầy Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên Vật lý cũng nhận xét: "Giáo án chương trình mới ít chữ, ít trang hơn, nhưng giáo viên vất vả hơn. Môn Vật lý chương trình mới có một đặc trưng là cần rất nhiều thực hành. Việc chuẩn bị của giáo viên phải nhiều hơn, không chỉ dừng ở những gì viết ra ở phiếu bài tập và phải huy động trí tuệ tập thể trong giáo án mới".

Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 

Theo Bộ GDĐT, nếu như chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 định hướng nội dung, dạy học theo mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng thì theo chương trình mới là định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. Sự đổi mới toàn diện và đồng bộ: từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Dưới đây là so sánh một số khác nhau giữa 2 chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và đổi mới:

STTNội dung

Chương trình giáo dục 2006

Chương trình giáo dục 2018


Nội dung giáo dục

Có 14 nội dung giáo dục và 23 môn học.

Có 14 nội dung và 24 môn học. Ngoài ra có môn học mới: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương.

Nội dung và Thời lượng giáo dục

Cấp Tiểu học có 11 môn học bắt buộc.

Cấp THCS có 13 môn học bắt buộc.

Cấp THPT có 13 môn học bắt buộc.

* Tất cả các trường, lớp đều thực hiện kế hoạch giáo dục do Bộ GDĐT ban hành.

Cấp Tiểu học có 10 môn học bắt buộc.

Cấp THCS có 10 môn học bắt buộc.

Cấp THPT có 6 môn học bắt buộc.

* Địa phương và nhà trường được trao quyền chủ động và trách nhiệm trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường.


Phương pháp dạy học (PPDH)

- Định hướng trang bị kiến thức, kĩ năng.

- Đổi mới PPDH chuyển từ PPDH truyền thống sang PPDH tích cực nhưng về cơ bản vẫn còn nặng về trang bị kiến thức và kĩ năng làm bài tập theo yêu cầu thi cử.

- Học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất (qua hoạt động học và vận dụng kiến thức).

- Thực hiện PPDH tích cực: tích cực hóa hoạt động học tập; chú trọng tổ chức hoạt động học nhằm hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh; thực hiện phương châm "Học qua làm".


Vai trò sách giáo khoa

Nội dung SGK được coi là "nguồn kiến thức", là căn cứ duy nhất để dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi; cả Chương trình giáo dục phổ thông chỉ có một bộ SGK duy nhất.

Nội dung SGK đóng vai trò là "học liệu" (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học; dạy học theo nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình; mỗi môn học có nhiều SGK.

Một chương trình, nhiều SGK là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ "truyền thụ kiến thức" sang dạy học "phát triển năng lực".


Vai trò của giáo viên

- Tổ chức dạy học cơ bản theo phân phối chương trình đã được xác định (đúng theo số tiết/tuần đã được quy định trong chương trình); không phải xây dựng lại phân phối chương trình (cơ bản theo trình tự nội dung đã có trong SGK; việc điều chỉnh nếu có là không nhiều).

- Thực hiện đổi mới PPDH nhưng có bản vẫn nhằm trang bị kiến thức, kĩ năng; chưa có nhiều yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nhất là thực tiễn tại địa phương.

- Chương trình "mở" (chỉ quy định số tiết/năm học) đòi hỏi giáo viên phải tham gia xây dựng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học.
- Có một số môn học mới đòi hỏi giáo viên (có năng lực chuyên môn phù hợp) tham gia dạy học; có một số nội dung giáo dục mới trong môn học đòi hỏi giáo viên phải cập nhật; có những yêu cầu về vận dụng kiến thức vào thực tiễn tại địa phương đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo hơn so với những gì đã viết trong SGK (chung cho toàn quốc).
- Về PPDH: Vai trò trò của giáo viên là phải chuyển mạnh từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "tổ chức, kiểm tra, định hướng" hoạt động học của học sinh. Thực hiện hiệu quả hơn, triệt để hơn yêu cầu về PPDH "Học qua Làm".

Yêu cầu đối với học sinh

- Chủ yếu học theo nội dung, mức độ cần đạt về kiến thức, kĩ năng của Chương trình GDPT đã được thể hiện trong SGK.

- Mọi học sinh học các môn học/hoạt động giáo dục giống nhau (phân Ban chỉ quy định mức độ nặng/nhẹ của môn học theo Ban).

- Yêu cầu tự học, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn còn nhẹ.

- Ngoài học theo nội dung, yêu cầu của Chương trình GDPT, học sinh được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động để vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
- Với cấp THPT, học sinh có quyền lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Chương trình giáo dục chia ra 2 giai đoạn sẽ định hướng và cho phép học sinh lựa chọn nghề nghiệp ngay từ những năm học ở cấp THCS.

Yêu cầu đối với cha mẹ học sinh

Chủ yếu nhà trường, giáo viên có liên hệ/yêu cầu cha mẹ học sinh phối hợp trong các nội dung giáo dục chung về đạo đức, hạnh kiểm; chưa đặt ra nhiều yêu cầu hỗ trợ học sinh về học kiến thức, kĩ năng theo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục.

Chương trình 2018 đòi hỏi học sinh phải tự học nhiều hơn; có nhiều nhiệm vụ hơn yêu cầu vận dụng kiến thức vào cuộc sống, nhất là cuộc sống hàng ngày tại gia đình và cộng đồng. Vì vậy cha mẹ học sinh phải được yêu cầu tạo điều kiện, hỗ trợ học sinh trong học tập và vận dụng kiến thức bên ngoài khuôn viên nhà trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem