Hát xẩm là loại hình dân ca phổ biến trong chợ quê, chợ phiên nên cũng thường gọi là "xẩm chợ". Người nghe là thập loại chúng sinh, có mủi lòng thì tặng (vào bát) một vài đồng cắc, không thì thôi. Người hát vẫn hát, vẫn đàn. Người nghe vẫn nghe, vẫn lấy vạt áo nâu sồng chấm nước mắt. Chính vì thế mà xẩm chợ thân thiết với người nông dân nghèo khổ hơn bất kỳ loại dân ca nào khác.
Xẩm chợ là cái cầu nối hiếm hoi giữa các nhà thơ "tháp ngà" với dân chúng thất học và nghèo khổ. Đó cũng là một di sản văn hóa gắn liền với cuộc sống của một thời đại dài với bao kỷ niệm đau buồn trong ký ức dân tộc.
|
Nghệ nhân xẩm chợ cuối cùng Hà Thị Cầu |
Ngày nay, xẩm chợ thưa bóng khắp nơi, đốt đuốc tìm khó ra. Ký ức dân tộc là mãi mãi. Trách nhiệm này tuy không chỉ riêng ai, nhưng Bộ VH-TT&DL làm gì nếu không gìn giữ những gia tài tinh thần bất diệt đó?
Nghệ nhân xẩm chợ cuối cùng, người có hơn 70 năm đi hát nuôi sống mình và giữ gìn di sản dân tộc ấy là cụ bà Hà Thị Cầu vẫn còn sống.
Tuy có thêm những người hát xẩm nổi tiếng khác như NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thuý Ngần, Mai Tuyết Hoa, Quang Long… nhưng liệu đã có ai sánh được với cụ bà Hà Thị Cầu, có ai có được giọng xẩm "gin" và chân chất như cụ bà Hà Thị Cầu, "con khủng long" cuối cùng của một di sản văn hóa?
Bà Hà Thị Cầu đang sống, đang hát, được mời đi chỗ này chỗ nọ, nước này nước nọ. Nhưng điều lạ lùng là tại sao người nghệ sĩ vốn quý cuối cùng ấy lại đang sống trong cảnh nghèo, nếu không nói là đói ở tỉnh Ninh Bình.
"Một nếp nhà ven đường 20m2, bên trong chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc đài bán dẫn và một cái líu (nhị) đã đi theo người hát xẩm chuyên nghiệp cuối cùng gần 70 năm qua".
Mong lãnh đạo Bộ VH-TT&DL trả lời hộ câu hỏi: "Tại sao bà Cầu vẫn nghèo"?
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.