Tại sao thực phẩm sạch, an toàn vẫn là chuyện “mơ về nơi xa lắm”?

Thuận Hải Thứ bảy, ngày 16/09/2017 06:55 AM (GMT+7)
TP.HCM tiên phong trong nhiều hoạt động, từ ký kết, hỗ trợ đến… bắt buộc người sản xuất phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Thế nhưng, việc có được thực phẩm sạch, an toàn vẫn còn là chuyện “mơ về nơi xa lắm”.
Bình luận 0

Rầm rộ, từ “hỗ trợ” đến “chế tài”…

Chưa bao giờ những hoạt động với mục tiêu “xây dựng chuỗi thực phẩm sạch” cho người tiêu dùng được thực hiện rầm rộ như hiện nay. Trước đây, các Sở NNPTNT, Sở Công Thương, Sở Y tế TP.HCM mỗi bên góp một phần trách nhiệm, đôi khi chồng chéo thì nay có riêng Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) chuyên trách, với đội ngũ cán bộ hùng hậu, các chương trình hừng hực khí thế.

Ngay sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, Ban quản lý ATTP TP.HCM bắt đầu bằng việc giải quyết các vấn đề thủ tục hành chính liên quan đến ATTP như cấp giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, xác nhận kiến thức ATTP cho chủ cơ sở… Tiếp đó, hàng loạt các chương trình thị sát vùng nuôi, trồng và lễ ký kết liên kết sản xuất – tiêu thụ giữa TP.HCM và các tỉnh được tổ chức.

img

  Ruộng lúa chất lượng cao hữu cơ tại xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong.  ảnh: Phương Hồng

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay 70% sản lượng rau, 60% sản lượng hoa của tỉnh cung cấp cho TP. HCM. Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM, cũng khẳng định hiện nay 80% thực phẩm nhập vào TP.HCM là từ các tỉnh thành, trong đó các sản phẩm rau củ quả từ Lâm Đồng chiếm thị phần lớn và rất được lòng người tiêu dùng. Thế nhưng, đã có tình trạng lạm dụng, trà trộn, đội lốt sản phẩm của Lâm Đồng nên việc quản lý tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, từ ngày 31.7, Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu 100% thịt heo vào cung cấp thị thị trường này phải truy xuất được nguồn gốc, kể cả thịt heo vào các chợ đầu mối như Hóc Môn, Bình Điền.

Liệu có “mơ về nơi xa lắm”?

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đang có nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch, hiện đại. Nhưng tỉnh xác định việc đầu tiên phải liên kết với doanh nghiệp xây dựng bằng được thương hiệu gạo sạch Quảng Trị, hướng đến xuất khẩu gạo nhằm nâng cao giá trị hạt lúa quê hương.
 

Theo ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, từ năm 2011, TP.HCM đã chủ trì xây dựng và thí điểm đề án liên kết xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản từ trang trại đến nơi tiêu thụ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bắt đầu triển khai từ năm 2013.

Đến nay, TP.HCM đã có được 3 đơn vị tham gia chuỗi chăn nuôi, trên 30 trại ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn. Theo ông Phát, hầu hết các trang trại này đều đã được kiểm soát từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến khâu tiêu thụ.

Thế nhưng, sản lượng chuỗi này cung cấp chỉ mới đạt bình quân 1.300 con/ngày, chiếm khoảng 10% thị phần tiêu thụ thịt heo của TP.HCM, bình quân mỗi ngày khoảng 10.500 con.

Cũng theo ông Phát, dù tích cực thực hiện nhiều hoạt động xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại trong các khâu như giết mổ. Cụ thể, thực trạng các cơ sở giết mổ ở TP.HCM dù nhiều nhưng chưa đạt chuẩn, chưa đảm bảo vấn đề ATTP dù đạt loại A, loại B và được phép hoạt động. Việc quản lý ATTP tại các cơ sở giết mổ cũng chưa được thực hiện tốt. Trong đợt khủng hoảng giá heo vừa qua, ngoài cơ sở của Vissan thì TP.HCM không còn cơ sở nào đạt chuẩn ATTP, không nhiễm vi sinh, salmonela… để đưa heo vào giết mổ. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem