Tại sao Trung Quốc mua đến 99,6% một loại lâm sản quan trọng của Việt Nam?
Việt Nam bán sang Trung Quốc 99,6% một loại lâm sản, có lo ngại phụ thuộc?
Khánh Nguyên
Thứ hai, ngày 11/04/2022 18:42 PM (GMT+7)
Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,6% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của Việt Nam, cho thấy sự phụ thuộc rất lớn của mặt hàng cao su vào thị trường này.
Xuất khẩu cao su vẫn tăng nhờ sức mua từ thị trường Trung Quốc
Nhờ sức mua từ thị trường Trung Quốc, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt 130.000 tấn, trị giá 233 triệu USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 28,2% về trị giá so với tháng 02/2022; so với tháng 3/2021 tăng 15,9% về lượng và tăng 18,6% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân tăng 0,2% so với tháng 02/2022 và tăng 2,3% so với tháng 3/2021, lên mức 1.792 USD/tấn.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 424.000 tấn, trị giá 746 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 10,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 2 tháng đầu năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 189.240 tấn, trị giá 329,25 triệu USD.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,6% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 188.520 tấn, trị giá 327,54 triệu USD, giảm 1,1% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nhờ tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn khả quan nên trong tháng 3/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước ổn định.
Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 330-340 đồng/độ mủ.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348-350 đồng/độ mủ. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ mủ, ổn định so với cuối tháng 02/2022.
Mới 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã chi 2,29 tỷ USD mua cao su
Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ cao su nhiều nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 2,29 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với kim ngạch 462,06 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022 chiếm 20,2%, giảm so với mức 23,2% của 2 tháng đầu năm 2021.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên của Trung Quốc đạt 698,39 triệu USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 6 cho Trung Quốc với kim ngạch 43,83 triệu USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, Việt Nam lại là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn nhất cho Trung Quốc.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) của Trung Quốc đạt 1,01 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc với kim ngạch 414,67 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 41,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.