Tài xế tranh luận về quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe
Tài xế tranh luận về quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe
Ngọc Huyền
Thứ hai, ngày 04/12/2023 15:01 PM (GMT+7)
Cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông là đề xuất ban đầu đang được Quốc hội thảo luận. Quy định này hiện thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, cánh tài xế cũng tranh luận sôi nổi, chia thành "2 phe" rõ rệt.
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đưa ra trình bày trong phiên họp Quốc hội sáng 10/11. Trong đó, ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" thu hút nhiều sự chú ý.
Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: "Đây là đề xuất ban đầu, đang đưa ra Quốc hội thảo luận. Qua thảo luận, Quốc hội sẽ đánh giá, cho ý kiến đầy đủ, thấu đáo nhất".
Tham khảo ý kiến từ nhiều tài xế khác nhau, phóng viên thu về hai luồng ý kiến trái chiều: Một bên đồng tình với mong muốn quy định mang lại hiệu quả cao, một bên lại phản đối, cho rằng việc cấm tuyệt đối là quá cứng nhắc.
"Chỉ ăn thôi cũng có khả năng hiển thị nồng độ cồn"
Anh Cao Văn Thắng (34 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thường xuyên đi làm bằng xe ôtô riêng. Theo anh Thắng, quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe là chưa hợp lý, bởi trong đời sống thường ngày, có rất nhiều trường hợp trong thức ăn có chứa cồn.
"Nếu như uống rượu, bia thì kể cả một chén nhỏ cũng đã vi phạm. Cái này tôi đồng ý. Nhưng thật ra có nhiều món ăn cũng có cồn, như ngày Tết Đoan ngọ ăn cơm rượu vậy. Ăn một chút tôi nghĩ không ảnh hưởng tới khả năng lái xe. Tuy nhiên nếu thổi cồn có lẽ vẫn lên", anh Thắng chia sẻ.
Được biết, hiện tại có khá nhiều món ăn được thêm thắt nguyên liệu là rượu. Tùy vào cách nấu mà độ cồn sẽ bay bớt. Bên cạnh đó, các loại nước uống hoa quả lên men cũng dễ khiến người sử dụng có nồng độ cồn trong cơ thể.
Cùng quan điểm, anh Hà Văn Thu (47 tuổi, một tài xế xe khách tuyến Hà Nội – Thanh Hóa) có ý kiến: "Tôi là tài xế phải lái xe đường dài nên không bao giờ uống rượu, bia. Nhưng có một lần tôi ăn rất nhiều nhãn, khi thổi nồng độ cồn lại nhích một lên chút. Tôi đã giải thích và đề nghị chờ khoảng vài phút để thổi lại. Kết quả nồng độ cồn là 0".
Anh Thu cho rằng, cách tốt nhất để giảm thiểu tai nạn giao thông từ việc uống rượu, bia vẫn là tuyên truyền, kết hợp lập chốt kiểm tra thường xuyên, tạo thói quen tốt cho người dân.
Hiện tại, việc nhiều tài xế lên tiếng với quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn tham gia giao thông đến từ việc mâu thuẫn giữa nồng độ cồn sinh học và cồn từ bia, rượu. Nhiều người cho rằng nên cấm người có nồng độ cồn ở một ngưỡng nhất định, ngưỡng này thể hiện cơ thể vẫn tỉnh táo khi lái xe.
Ủng hộ quy định cấm hoàn toàn người có nồng độ cồn lái xe
Ở hướng dư luận ngược lại, nhiều người cho rằng cấm hoàn toàn người có nồng độ cồn lái xe là điều đúng đắn.
Theo quy định tại điểm c, khoản 6 và điểm e, khoản 11 Điều 5 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Như vậy, chỉ cần hơi thở có nồng độ cồn trên 0 đã có thể xử phạt người tham gia giao thông. Chị Nguyễn Thị Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ: "Tôi thấy cứ theo đúng luật mà làm. Nếu như ăn đồ ăn, thức uống có sử dụng nguyên liệu là cồn thì uống nhiều nước sẽ hết. Người lái xe cũng phải biết tự kiểm soát việc này".
Còn theo anh Trần Hùng Anh (23 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ), đã có cồn thì không lái xe. "Những người đòi hỏi luật thay đổi cũng chỉ vì muốn ăn, uống những đồ có cồn. Đến lúc gây tai nạn thì mới thấy có lỗi, cũng đã muộn. Dù họ cho rằng bản thân uống ít nhưng cồn tác động thế nào đến hệ thần kinh chính họ cũng không biết.
Tôi là tài xế công nghệ đi xe máy thôi nhưng cũng không bao giờ uống rượu bia khi chở khách. Mỗi người một cơ địa khác nhau. Với người này một chén không nhằm nhò nhưng với người khác một chén cũng đủ loạng choạng rồi đấy", anh Hùng Anh bộc bạch.
Là một tài xế xe tải lâu năm, anh Nguyễn Quang Thuyết (33 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng, nếu không đụng tới rượu, bia chắc chắn sẽ không lên nồng độ cồn. Anh nói thêm: "Không uống thì không phải sợ. Nếu thổi lên, mình có quyền yêu cầu kiểm tra sang máy khác".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.